Nên cân nhắc số lượng để nâng chất lượng

QĐND Online – Sáng 17-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Trước kết quả xây dựng luật, pháp lệnh chưa tốt, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ để chương trình đưa ra thực hiện được và bảo đảm chất lượng, kiên quyết đưa ra những luật không đáp ứng yêu cầu…

QĐND Online – Sáng 17-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Trước kết quả xây dựng luật, pháp lệnh chưa tốt, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ để chương trình đưa ra thực hiện được và bảo đảm chất lượng, kiên quyết đưa ra những luật không đáp ứng yêu cầu…

Chưa thực hiện nghiêm chương trình làm luật

Theo tổng kết, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra. Quốc hội mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Trong khi đó, tính đến thời điểm này vẫn còn 53 Nghị định chưa được Chính phủ ban hành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) thẳng thắn: “Không chỉ không hoàn thành chương trình mà trong 4 năm, từ 2007 - 2011, chương trình đã được điều chỉnh đến 5 lần. Điều đó nói lên tính không khoa học, thiếu thận trọng và chấp hành không nghiêm kỷ luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Internet

Nhiều đại biểu lo lắng việc dự án luật, pháp lệnh đưa vào và rút ra khỏi chương trình quá dễ. Khi đưa vào chương trình thì nói hết sức cần thiết, nhưng khi rút ra cũng có đủ lý lẽ chứng minh cần phải rút ra. Điều này cho thấy không chấp hành nghiêm tinh thần kỷ luật của việc xây dựng chương trình pháp luật. Một số luật, pháp lệnh được thông qua chất lượng và tính khả thi chưa cao, chậm đi vào cuộc sống; nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết hướng dẫn mới thi hành được. Trong khi đó, việc ban hành văn bản dưới luật rất chậm, không đảm bảo như tiến độ đề ra.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trong quá trình xây dựng luật, việc đưa kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn có vướng mắc, khó khăn trong thực tế vào các dự án luật ít. Chính vì vậy, khi luật có hiệu lực, tính khả thi không cao, đặc biệt có một số luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII ban hành, khi thực hiện gặp nhiều khó khăn và phải đề xuất sửa đổi trong nhiêm kỳ khóa XIII nhiều.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn TP Hải Phòng) cùng một số đại biểu đã tổng kết và chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến xây dựng luật, pháp lệnh chưa đạt hiệu quả cao: chiến lược lập pháp đã thể hiện trong Nghị quyết 48, nhưng thiếu lộ trình để cụ thể hóa bằng những danh mục dự án luật và lộ trình thực hiện; tính dự báo trong các dự án luật chưa cao; kỷ luật lập pháp chưa nghiêm, thể hiện ngay trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội ở nội dung phối hợp và thời gian thực hiện; năng lực của bộ máy giúp việc, cả năng lực tổ chức và nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu làm luật.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn TP Hà Nội) chỉ ra thêm một nguyên nhân, một số Bộ, ngành được giao soạn thảo nhiều dự án luật. Trong khi nguồn nhân lực có hạn và thêm vào đó là tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, không đầu tư thỏa đáng cho công tác soạn thảo, cho ý kiến. Nhiều thành viên trong Ban soạn thảo các dự án luật thường xuyên vắng mặt trong các kỳ họp góp ý vào các dự thảo luật. Đa số đội ngũ cán bộ soạn thảo trong cùng một thời gian phải tham gia làm thành viên của nhiều Ban soạn thảo dự án luật khác nhau đã ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo luật. Tình trạng nhiều bộ, ngành vẫn mắc bệnh gửi dự án luật tới các cơ quan thẩm tra của Quốc hội quá chậm.

Tập trung khắc phục hạn chế

Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị kiên quyết không đưa vào những luật chưa đáp ứng được yêu cầu, đẩy lên xây dựng những luật cần thiết trước. Một số đại biểu đề nghị dựa theo kết quả thực hiện của những chương trình trước, rút bớt một số luật để bảo đảm thực hiện được hết chương trình, đồng thời nâng cao chất lượng luật, pháp lệnh. Cùng với đó, từ việc phân tích các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong xây dựng luật, pháp lệnh thời gian vừa qua, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để khắc phục những nguyên nhân này. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) kiến nghị: Đối với các cơ quan soạn thảo luật cần bám sát thực tiễn và gắn kết trực tiếp đối với các đối tượng điều chỉnh của luật để làm sao luật soạn thảo, ban hành thì đảm bảo được các lợi ích của cơ quan chủ trì soạn thảo và các đối tượng điều chỉnh trong xã hội; các cơ quan có trách nhiệm thẩm tra phải dành quỹ thời gian cần thiết để điều tra thực tiễn ở cơ sở để khẳng định việc khả thi của các dự án luật; các đại biểu Quốc hội là những người có trách nhiệm phải tham gia và ấn nút biểu quyết thì phải có quỹ cần thiết, phải được cung cấp các văn bản sớm hơn để nghiên cứu, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các tầng lớp xã hội để có những quyết định đúng và tham gia đúng; tổ chức thực hiện pháp luật tốt, nếu không dù có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đến mấy nếu không tổ chức thực hiện được thì luật, pháp lệnh cũng không có nhiều tác dụng.

Sau khi dẫn chứng việc không hoàn thành chương trình, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) chỉ ra, cần phải cố gắng, trách nhiệm hết mình, đồng thời phải phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên mới có thể hoàn thành được chương trình. Đại biểu Lợi đề nghị “khi trình các chương trình xây dựng pháp luật cần phải có đề cương sơ bộ về khung pháp luật, làm rõ sự cần thiết. Ngoài quan điểm đúng phải đề xuất các cơ chế, chính sách mới. Đồng thời, nội dung những dự án luật nên có các dự báo về đối tượng áp dụng, ngân sách thực hiện để đảm bảo ngân sách đi liền với chính sách và cũng là căn cứ cần thiết để cân đối tài chính khi thông qua luật… khi thông qua dự án luật đưa vào chương trình phải đưa ra được kết quả điều tra, khảo sát hoặc tổng kết, bằng chứng khoa học để khẳng định sự cần thiết, tránh đề xuất dự án luật, pháp lệnh một cách cảm tính, chưa có tính toán cụ thể cũng đưa vào chương trình.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cùng nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội thể hiện một quyết tâm tập trung chỉ đạo để chấm dứt tình trạng không thực hiện chương trình cũng như Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trước mắt, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình năm 2012 mà Quốc hội đã thông qua trong kỳ họp thứ nhất với nhiệm vụ thông qua 22 dự án luật.

Xuân Dũng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/50/50/167072/Default.aspx