Nên hay không xử lý hình sự trẻ dưới 16 tuổi?

Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cũng là một vấn đề được tranh luận khá gay gắt trong phiên họp thảo luận liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ hai, đã có 266/397 ĐBQH tán thành quy định này của BLHS năm 2015.

Kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn ĐBQH về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn ĐBQH đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường.

Trong quá trình chỉnh lý, UBTVQH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng: phương án quy định theo Chính phủ trình là hợp lý, vừa bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS năm 2015, vừa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Ở lứa tuổi này, việc áp dụng các biện pháp khác như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính là phù hợp. Nếu quy định xử lý hình sự quá rộng là sớm đưa các em vào vòng tố tụng và đây không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội.

Chính vì thế, tại cuộc thảo luận kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, 2 phương án đã được đưa ra để các đại biểu lựa chọn gồm : Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

Góp ý xây dựng điều luật này tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 24/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích, trong 3 năm 2014 – 2016, cả nước mới có 122 em ở độ tuổi này bị truy tố về hành vi cố ý gây thương tích, có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm… như vậy thực tiễn là ít. Nó không phải là vấn đề cần cảnh báo mà lại mở rộng, thì cần phải xem xét thêm. Đồng thời, theo bà Nguyễn Thị Thủy, nguyên nhân dẫn đến việc các em phạm tội chủ yếu là do các em chưa tìm được chỗ dựa về mái ấm gia đình, 10% là trẻ mồ côi, 11% là bố mẹ ly hôn. Nhiều trẻ phạm tội có bố mẹ đang chịu án phạt hình sự. Bên cạnh đó, xã hội còn nhiều những mặt trái tác động vào đời sống, tâm lý khiến các em phạm tội.

Do vậy, theo quan điểm của bà Thủy, nếu xử lý như phương án 1, sẽ rất nặng cho các em. Đây là tuổi tò mò, hiếu động, với sự thiếu hiểu biết hạn chế hiểu biết pháp luật, dễ dẫn đến các em có hành vi lệch chuẩn Vì lẽ đó mà luật pháp đã không quy định như với người lớn. Quy định như phương án 1 là không phân biệt giữa trẻ em và người lớn.

“Không nên quá nóng. Khi xử lý, cần xem đến trách nhiệm của xã hội, xử lý như thế nào để các em còn làm lại cuộc đời. Cá nhân tôi, chỉ xử lý khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như truyền thống của chúng ta.“ – Đại biểu khẳng định lại quan điểm ủng hộ đề xuất của Chính phủ là chỉ xử lý hình sự khi các em có hành vi phạm tội ở các tội danh này trong mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng quan điểm với bà Thủy còn có đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Bà Hoa cho biết: “Mỗi chúng ta khi nghe đến tội đặc biệt nghiêm trọng do tuổi này gây nên đều bức xúc. Nhưng nó không mang tính phổ biến. Không phổ biến thì không nên xây dựng làm nguyên tắc chung", bà phát biểu.

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã đề cập đến góc độ khác ngoài hai phương án nêu trên. Theo ông Bình, chính sách hình sự đối với trẻ vị thành niên: một là đưa ra những nguyên tắc xử lý, hai là quy định về độ tuổi. Tuy nhiên quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không nhiều mà chính sách chủ yếu ở những nguyên tắc xử lý.

“Chúng ta tập trung quá nhiều về độ tuổi là chưa hợp lý lắm. Đối với độ tuổi trẻ em nhiều nước loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội vô ý, còn tội cố ý quy định nhưng chính sách hình sự của họ nằm ở nguyên tắc xử phạt. Nội dung này nằm ở Điều 91 của BLHS 2015”, ông Bình cho hay.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nen-hay-khong-xu-ly-hinh-su-tre-duoi-16-tuoi-53729.html