Nên lập “tổ đặc nhiệm” khi đàm phán với nhà đầu tư FDI lớn?

BizLIVE - Đó là một trong những kiến nghị của GS.TSKH. Nguyễn Mại trong buổi Tọa đàm “Việt Nam và cuộc chơi lớn của các tập đoàn đa quốc gia”, do báo điện tử BizLIVE tổ chức hôm nay (5/3).

GS. Nguyễn Mại tại buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Nội - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) - Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết, đóng góp của các doanh nghiệp FDI nói chung và các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) nói riêng trong những năm qua ngày càng lớn.

Theo thống kê, năm 2013, Việt Nam thu hút được 15.932 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 234 tỷ USD và vốn thực hiện trên 112 tỷ USD. Trong đó có khoảng 500 dự án là các TNC với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 140 tỷ USD.

Trong cán cân xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữa vai trò chủ đạo với con số 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (2011), năm 2012 là 64% và năm 2013 là 66,9%. Số tiền nộp ngân sách cũng tăng đều qua các năm. Năm 2011 là 3,5 tỷ, năm 2012 là 3,9 tỷ và năm 2013 là 5 tỷ USD (chưa kể dầu thô).

Như vậy, việc có những chính sách, giải pháp kịp thời nhằm giải quyết các vấn đề liên quan, hài hòa lợi ích các bên tham gia, đặc biệt là khi đàm phán hợp tác với các tập đoàn lớn là cực kỳ quan trọng.

Theo ý kiến của GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): “Một TNC ở góc nhìn khác nhiều khi còn lớn hơn cả một quốc gia, nên chúng ta không nên tiếp họ hoặc coi họ như những tập đoàn nhỏ. Khi làm việc với TNC nên có những “Tổ đặc nhiệm” như vậy để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan”.

GS. Nguyễn Mại cho biết, năm 2004, Tập đoàn Intel lựa chọn 4 nước để xây dựng nhà máy quy mô lớn, Việt Nam là một trong số đó. Trong chiến lược của Intel, cứ 18 tháng trong điều kiện bình thường Intel sẽ lập 1 nhà máy mới với quy mô tương đương.

Thủ tướng Chính phủ khi đó cho rằng nếu để các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đi làm việc với các bộ, ngành thì sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí Bộ nào cũng muốn đòi quyền lợi cho mình trong khi đây là một cơ hội lớn để kéo (TNC) của Mỹ vào Việt Nam.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập một tổ công tác với tên gọi là “Tổ đặc nhiệm”, có quyền thay mặt Thủ tướng đàm phán với Intel.

Tổ đặc nhiệm này đã đề nghị với Thủ tướng: Việt Nam sẽ hy sinh quyền lợi tài chính để lôi kéo cho bằng được TNC này vào Việt Nam để được hai điều lợi.

Và như vậy, Tổ này đã nhận được đề nghị của Intel với 28 điều khoản, trong đó có khoảng 4-5 điểm không thể chấp nhận được. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Thủ tướng chấp nhận hỗ trợ tài chính cho Intel khoảng tài chính từ 60-70 triệu USD để Intel vào Việt Nam.

Theo GS. Nguyễn Mại, ngoại trừ Intel được “ưu ái” thì hiện nay, đối với các TNC chúng ta vẫn còn thiếu một chính sách ưu đãi về tài chính.

Tuy nhiên, cũng theo GS. Mại thì bàn về câu chuyện đầu tư nước ngoài quan trọng nhất lợi ích quốc gia. Việc chấp nhận một dự án của TNC thì giới hạn của nó là phải hiểu được lợi ích của Việt Nam đến mức nào là hợp lý. Chia phần một cái bánh thì chúng ta biết phần của chúng ta bao nhiêu là vừa.

"Đáng tiếc là một số địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp khi chấp nhận dự án đầu tư không thực sự tính toán đến lợi ích của quốc gia", GS. Mại thẳng thắn.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/nen-lap-to-dac-nhiem-khi-dam-phan-voi-nha-dau-tu-fdi-lon-109320.html