Nét đặc sắc trong nghệ thuật văn hóa Việt

Trong nghệ thuật trình diễn của người Việt, cùng với hát Xoan, hát Xuân Phả và hát Rô, hát múa Ải Lao là những điệu hát, múa cổ, hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay. Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống chỉ diễn ra tại lễ hội Gióng, làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm do phường Ải Lao, làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hiện.

Theo truyền thuyết, xưa kia, khi Thánh Gióng cùng đội quân đi đánh giặc qua bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), các trai đinh trong làng Hội Xá đã xin đi theo. Trong số những trai đinh xin đi đánh giặc có đủ mọi thành phần người dân xin theo ông Gióng đi đánh giặc… Trong đoàn quân này còn có một nhân vật đặc biệt, đó là ông Hoàng Hổ. Ông Hoàng Hổ là một trong những thiên tướng của nhà trời được sai xuống đi theo Thánh Gióng đánh giặc. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân với đủ mọi thành phần, tượng trưng cho sức mạnh tổng hợp của cả nước khi có giặc ngoại xâm đến, mọi người, mọi thành phần đều tìm mọi cách để đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.

Hát múa Ải Lao là một nghi thức truyền thống, chỉ diễn ra ở lễ hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội .

Sau khi chiến thắng giặc Ân, Thánh Gióng hóa về trời, mẹ Ngài không thấy con nên buồn rầu, đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá sang múa hát cho Mẫu nghe, khiến Mẫu vui trở lại. Từ đó, khi tổng Phù Đổng tổ chức hội Gióng phải mời làng Hội Xá sang biểu diễn. Làng Hội Xá tham gia hội Gióng từ ngày 6 - 9.4 ÂL, thực hành một số nghi lễ quan trọng như rước nước rửa vũ khí trước khi ra trận, khám trận địa, hát những ca khúc khải hoàn sau khi Thánh Gióng chiến thắng, đánh đuổi được giặc Ân…

Tham dự Hội Gióng ở Phù Đổng có 5 làng gồm: Phù Dực, Phù Đổng, Đổng Viên (xã Phù Đổng), Đổng Xuyên (xã Đặng Xá, Gia Lâm) và Hội Xá thuộc phường Phúc Lợi (Long Biên). Trong 5 làng này, có duy nhất 1 làng thuộc quận Long Biên, cách xa địa phận xã Phù Đổng nhưng cùng tham gia ngày hội, chính sự tham gia của phường hát Ải Lao (còn gọi là hát tùng choặc) của làng này đã góp phần không nhỏ tạo nên nét độc đáo của Hội Gióng.

Thông thường, đoàn múa hát Ải Lao khoảng 30 người, trong đó có 1 ông trưởng đoàn (trùm trưởng), một người đóng ông Hoàng Hổ, 1 người đánh trống khẩu, 1 đánh chiêng, 1 cầm cung tên (tượng trưng cho người đi săn); 1 người cầm cần câu (tượng trưng cho người câu cá); 2 người cầm cờ lau (nhắc lại sự tích đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá chơi cờ lau theo Gióng đi đánh giặc và giắt bông lau che kín mình cho vị Thánh), số còn lại vừa cầm sênh và hát. Đi cùng với phường Ải Lao là 12 em mặc áo dài đỏ cầm roi mây đi dẹp đám. Điều đặc biệt của phường hát Ải Lao là toàn nam, tuổi quy định thấp nhất từ 35 tuổi trở lên, và tất cả phải là trai đinh của các dòng tộc trong làng, con rể hay ngoại tộc đều không được tham gia.

Trong suốt quá trình diễn ra Hội Gióng, phường Ải Lao hát rất nhiều bài, mỗi bài có nội dung khác nhau: Hát khi vào đền dâng lễ trình; hát thờ đền Thượng; hát thờ đền Thánh mẫu (người sinh ra Gióng); hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca); hát kéo hội đi đường; hát rước hội xuống đồng vào giá ngự; hát câu cá; hát về cây tre; hát săn hổ; hát về đền sau khi thắng trận... Tùy từng thời gian, địa điểm mà những bài hát được ứng khẩu cho phù hợp hoàn cảnh.

Hiện nay, hát múa Ải Lao đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Di sản hát múa Ải Lao cũng được xem là một phần không thể thiếu của hội Gióng đền Phù Đổng - được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010). Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, di sản hát múa Ải Lao cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng lớp người kế cận. Một phần ngày nay do lớp trẻ mải làm ăn, không muốn tập luyện, phần nữa là do đặc thù người tham gia trong đoàn phải là người trên 35 tuổi, nên mỗi khi có người cao tuổi xin nghỉ, việc tìm người bổ sung vào đội lại là vấn đề nan giải. Chính vì vậy, để di sản hát múa Ải Lao có thể duy trì và phát triển, rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp, các ngànhvà địa phương tạo điều kiện để tổ chức các lớp truyền dạy, đào tạo cho lực lượng kế cận để bảo tồn một nét đẹp văn hóa trong dân gian.

T.An

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dac-sac-trong-nghe-thuat-van-hoa-viet-48581.html