Nét đặc sắc trong phong tục ăn Tết thanh minh của người Sán Dìu

Kintedothi - So với nhiều dân tộc khác, phong tục ăn Tết Thanh minh của đồng bào Sán Dìu, ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều điều độc đáo, mang nét đặc trưng của đời sống văn hóa tinh thần của cư dân trong cộng đồng.

Đồng bào Sán Dìu cư trú ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng thú vị. Ảnh minh họa Ngân Khánh.

Đồng bào Sán Dìu cư trú ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo có nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng thú vị. Ảnh minh họa Ngân Khánh.

Chim có tổ người có tông

Đạo Trù là xã miền núi thuộc huyện Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc, toàn xã lọt thỏm trong thung lũng bao quanh bốn mặt là các dãy núi xanh thẫm. Những xóm nhỏ đan xen giữa những thửa ruộng, mảnh vườn, hay lặng lẽ nép mình dưới chân núi đồi, khiến khung cảnh thanh bình thơ mộng.

Đồng bào người Sán Dìu xã Đạo Trù huyện Tam Đảo trưng bày đặc sản bánh chưng gù và bánh gio - hai món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết của người Sán Dìu. Ảnh Ngân Khánh.

Đồng bào người Sán Dìu xã Đạo Trù huyện Tam Đảo trưng bày đặc sản bánh chưng gù và bánh gio - hai món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết của người Sán Dìu. Ảnh Ngân Khánh.

Ông Lưu Xuân Năm, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù, cũng là một thành viên của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu tại huyện Tam Đảo cho biết, địa phương có khoảng gần 4.000 hộ gia đình với khoảng 17.000 dân, trong đó người Sán Dìu chiếm gần 90%.

“Người Sán Dìu cư trú ở nhiều địa phương trong cả nước, họ thường lựa chọn những chỗ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp để dựng nhà làm nơi sinh sống. Họ có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa đặc sắc, nên dù ở bất kỳ đâu người Sán Dìu đều thống nhất chung một tiếng nói, chung bản sắc văn hóa.” – ông Lưu Xuân Năm cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù Lưu Xuân Năm trao đổi với phóng viên về phong tục Tết Thanh minh của người Sán Dìu trên địa bàn. Ảnh Sỹ Hào.

Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù Lưu Xuân Năm trao đổi với phóng viên về phong tục Tết Thanh minh của người Sán Dìu trên địa bàn. Ảnh Sỹ Hào.

Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, người Sán Dìu nói chung và ở Đạo Trù, huyện Tam Đảo nói riêng, có những điểm rất đặc sắc và khác biệt so với nhiều dân tộc khác, đặc biệt là phong tục ăn Tết Thanh minh.

“Tết Thanh minh là một phong tục có nguồn gốc từ xa xưa được người Sán Dìu xem trọng, và gọi là Lễ tảo mộ. Cũng như dân tộc Kinh, Tết Thanh minh cũng được người Sán Dìu xem là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên.” – ông Lưu Xuân Năm nói.

Tuy nhiên, với cộng đồng người Sán Dìu, Tết Thanh minh không ấn định một ngày cụ thể nào cả, mà diễn ra phụ thuộc vào lễ tiết trong năm – có năm diễn ra vào tháng 2 có năm lại rơi vào tháng 3 âm lịch.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù Lưu Xuân Năm, Tết Thanh minh của người Sán Dìu ở địa phương gần như là một lễ hội mang tính cộng đồng rộng lớn, hơn là mang tính riêng rẽ gia đình. Dịp Tết Thanh minh hầu như tất cả các gia đình tại địa phương đều “đồng loạt” đi thăm viếng mộ ông bà tổ tiên, không khí vui vẻ tưng bừng như trẩy hội.

“Dịp này người Sán Dìu có tục “ăn hội”, các thành viên trong họ tộc tề tựu về một gia đình thường là trưởng họ để làm cỗ cúng dâng tổ tiên, sau đó con cháu ăn tiệc. Tục “ăn hội” được tổ chức ở gia đình các thành viên trong họ tộc tuần tự theo các năm từ trưởng đến thứ.

Do đây là việc mang tính chất “nội tộc” nên chỉ các thành viên bên nội mới tham gia. Nếu là con trai thì cả vợ chồng (con dâu trong gia đình) cùng tham gia, nhưng nếu là con rể thì dịp này không tham dự, do cũng phải về bên gia đình mình chung lo việc “nội tộc” của bản thân.” – ông Lưu Xuân Năm cho biết.

Uống nước nhớ nguồn…

Trước hai ngày diễn ra Lễ tảo mộ, các con cháu tập trung tại nhà ông trưởng tộc, và cùng nhau ra ra thăm mộ ông bà tổ tiên, tiến hành dọn dẹp sạch sẽ. Đây là dịp để con cháu hồi tưởng về công đức của tổ tiên, và giáo dục nhau truyền thống uống nước nhớ nguồn, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Phong tục tảo mộ của người Sán Dìu. Ảnh minh họa Ngân Khánh.

Phong tục tảo mộ của người Sán Dìu. Ảnh minh họa Ngân Khánh.

Người Sán Dìu không có tục cải táng, mà họ thực hiện “nhất táng thiên thu”. Mộ của người Sán Dìu thường không an táng theo cách “quy tập” về một nơi, mà có xu hướng riêng lẻ, tản mát.

Điều đó xuất phát từ nếp ứng xử luôn tôn trọng sự riêng tư của mỗi người, tách riêng ra để tránh những xích mích, ngay cả khi đã thành người cõi âm. Việc các gia đình người Sán Dìu sinh cơ lập nghiệp ở Đạo Trù, nhưng mộ ông bà tổ tiên lại nằm ở nơi khác, xã khác thậm chí tỉnh khác không phải là hiếm.

Mâm cỗ cúng Tết Thanh minh của người Sán Dìu ở Đạo Trù, Tam Đảo có những nét đặc trưng mang nhiều dấu ấn từ sinh hoạt đời thường. Trong đó hai món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng là xôi đen và cá nướng.

Xôi đen được làm từ gạo nếp nhuộm với nước lá cây lau xau (một thứ cây hái trên rừng), sau khi được đồ chín tạo nên một thức ăn thơm ngon dâng cúng ông bà tổ tiên. Xôi đen cũng có thời gian bảo quản lâu hơn so với xôi thông thường, nên được người Sán Dìu lựa chọn làm đồ mang theo, phù hợp trong những chuyến “hành hương” trên những chặng đường dài tảo mộ thăm viếng tổ tiên có khi kép dài mấy ngày.

Còn món cá nướng, lại nhắc nhở người Sán Dìu nhớ về những thời khắc khó khăn xa xưa, điều kiện kinh tế nghèo nàn, thực phẩm cao sang chỉ có những con cá mà họ đánh bắt được dưới lòng các con suối, tưởng nhớ và dâng cúng tổ tiên để tỏ lòng.

Cả xôi đen và cá nướng đều nhắc nhở các thế hệ người Sán Dìu bài học về tinh thần khắc phục khó khăn, quý trọng những sản vật thiên nhiên.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/net-dac-sac-trong-phong-tuc-an-tet-thanh-minh-cua-nguoi-san-diu.html