Nét đẹp lễ hội Lồng Thồng Bủng Kham xứ Lạng

Lễ hội Lồng Thồng Ảnh: toquoc.gov.vn Mùa xuân, mùa của đất trời giao hòa. Mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc. Mùa Xuân cũng chính là mùa của lễ hội. Mọi người nô nức đi chẩy hội cầu phúc, cầu an. Nằm trong các lễ hội dân gian truyền thống của quê hương Xứ Lạng, lễ hội Lồng Thồng Bủng Kham, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn là một trong những lễ hội tiêu biểu của người dân nơi đây.

Truyền thuyết kể rằng lễ hội Lồng Thồng Bủng Kham (lễ hội Bủng Kham) là nơi có phong cảnh hữu tình, nơi có nàng tiên dáng thế, đã đi vào cõi tâm linh và linh thiêng. Chính vì vậy, ai ai cũng mong muốn đến tháng Giêng ngày hội đến đây được dâng lên thần tiên những sản vật do chính mình làm ra và để được thần tiên phù hộ, ban phúc, ban lộc, ban tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng năng suất, bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Được tổ chức vào gần ngày Rằm tháng Giêng hàng năm tại hai khu vực gần nhau, bên gò đá phía tây Bủng Kham và miếng đất thoai thoải trước mặt là nơi tổ chức hành lễ và dân ca. Nơi thờ các thiện thần chia làm 3 bậc. Bậc trên cùng là nơi để ba bàn thờ và đồ tế thiện thần, bậc thứ hai để mâm lễ của 24 thôn trong xã Đại Đồng, bậc thứ ba bên phía trái là lán của thầy mo, phần bên phải là nơi 5 già làng và các đoàn đến làm lễ. Sau khi dâng rượu trà, thầy mo khấn xin phép mở hội bằng cách thả xuống đất đồng xu hoặc hai mẩu gỗ để xin âm dương. Sau đó các chàng trai, cô gái đại diện cho 24 thôn lần lượt bưng lễ đến và hát giới thiệu về mâm cỗ của mình, thầy mo sẽ tiến hành khấn, Nội dung của bài khấn xoay quanh mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát đạt, làng bản yên vui, mọi nhà đều no ấm, hạnh phúc. Tiếp đến, các cụ già đến thắp hương ở 3 bàn thờ thần tiên: thần nông, thần hoàng trùng (Vua sâu bọ) và nàng tiên cá với nội dung như thầy mo đã khấn. Lễ hội Bủng Kham còn có nét độc đáo là việc cấy lúa tượng trưng nhưng trọng tâm của lễ hội là trò gieo lộc và thụ lộc độc đáo. Trò chơi diễn ra vào buổi chiều, biểu tượng của thần lộc ở đây là bỏng thóc nếp. Đến giờ đã định, thầy mo đóng vai thần nông sẽ đem thúng lộc ra chòi, từ trên cao, cầm từng nắm bỏng xung tay vãi đều trong tiếng trống thanh la, não bạt giục liên hồi cùng tiếng reo hò náo nhiệt của người dân tham gia lễ hội. Lộc vãi xuống, bà con và du khách trẩy hội thi nhau nhặt vì họ cho rằng ai nhặt được nhiều lộc thánh thì năm đó làm ăn phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Chiều tối , mọi người tập trung tại nơi hành lễ để thắp hương và làm thủ tục cuối cùng. Lễ hội năm nay rất đông vui và nhộn nhịp, chị Hoàng Thị Mai, người Hà Nội lên dự lễ hội cho biết “Mình cũng đã đi lễ hội này hai năm nay, nhưng mình thấy năm nay lễ hội có vẻ đông vui hơn. Đây là một lễ hội có nhiều nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của tỉnh Lạng Sơn”; còn chị Nông Thị Như thôn Nà Phục, xã Đại Đồng huyện Tràng Định tâm sự “Năm nào mình cũng tham dự lễ hội này của xã, đến đây để cầu thần thánh mọi sự tốt đẹp cho gia đình mình và mọi người nhân dịp năm mới và hy vọng sẽ có được một năm mùa màng tốt tươi. Đây là lễ hội đặc sắc nên bảo tồn”. Lễ hội Bủng Kham là lễ hội truyền thống của người dân Xứ Lạng, lễ hội đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần; thu hút nhiều du khách thập phương và mọi tầng lớp nhân dân; những lời Sli, câu then, phong Slư cùng tiếng lượn lại được vang lên trong ngày lễ hội như những bản tình ca của con người muốn gửi gắm những tình cảm, ước nguyện của mình đối với đất trời và mong cầu được sự an lành, hạnh phúc trong cuộc sống./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390812&co_id=30071