Nếu bạn vẫn thắc mắc hoa Ưu đàm có ý nghĩa gì thì đây sẽ là câu trả lời cho bạn

Theo Từ điển Phật học Hán Việt, hoa Ưu đàm, có tên tiếng Phạn là Udumbara, tiếng Trung Quốc là Ô-đàm, gọi đầy đủ là Ưu đàm bát la.

Nhiều năm gần đây, người dân trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất xôn xao về một loại hoa bé tí, màu trắng, trông rất mỏng manh, được gọi là hoa Ưu Đàm . Loài hoa này có hình dạng tựa như những chiếc chuông nhỏ, màu trắng tinh khiết, thân mảnh như sợi chỉ, lại trong gần như trong suốt như pha lê, những cánh hoa cũng nhỏ li li, phải nhìn rất kĩ mới thấy.

Không chỉ gây chú ý với vẻ ngoài mỏng manh, loài hoa này cũng tỏa ra mùi hương rất thơm khi nở. Sở dĩ đây được cho rằng là hoa quý và luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của hầu hết mọi người là bởi đây hoa Ưu Đàm được cho rằng đến tận 3.000 năm mới nở một lần. Phải may mắn lắm mới được thấy hoa nở như vậy.

Nhiều người cho rằng đây chính là hoa Ưu đàm

Những bông hoa Ưu Đàm đầu tiên được tìm thấy ở Hàn Quốc vào tháng 7/1997, trên bức tượng Phật Như Lai của một ngôi chùa Phật giáo ở Kyungki-Do được làm từ vàng và đồng. Người ta nhìn thấy có 24 bông hoa như mô tả mọc trên ngực của tượng. Khi đó, rất đông người đã đổ xô đến xem sự xuất hiện của loại hoa quý.

Từ đó kéo dài đến tận hôm nay, báo chí liên tục đưa tin về việc hoa Ưu Đàm đã xuất hiện ở quốc gia này, quốc gia kia và thậm chí, cả nhiều tỉnh thành ở Việt Nam người dân cũng đã rầm rộ hào hứng đi xem loại hoa 3.000 nở một lần này. Khi thì mọc trên cửa sổ bằng sắt, khi lại mọc từ cửa nhôm, có lúc lại xuất hiện trên các tượng đá, trên các thân cây, hay thậm chí là những sợi dây được căng ra để trồng cây dây leo, trên những lưới sắt.

Hàng rào lưới B40 cũng mọc loại hoa này (Ảnh: Internet)

Và cho dù là mọc ở đâu, loại hoa này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, hồ hởi đến xem hoa quý. Tuy nhiên, trước hiện tượng người dân nô nức kéo nhau xem hoa Ưu Đàm nở, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trịnh Tam Kiệt ở Phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học lại cho rằng thứ hoa được cho là hoa ưu đàm thực chất chỉ là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Nó thực chất là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy, đến kì sinh sản, nó sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử. Đến khi gặp điều kiện phù hợp thì sẽ sinh sôi nảy nở.

Cũng theo Giáo sư Kiệt, loại nấm này thường xuất hiện ở vật thể kim loại, đá, lá cây... là những nơi có điều kiện, môi trường sinh thái tốt.

Hoa Ưu đàm được phóng to bằng kính hiển vi (Ảnh: Internet)

Theo Từ điển Phật học Hán Việt, hoa Ưu đàm, có tên tiếng Phạn là Udumbara, tiếng Trung Quốc là Ô-đàm, gọi đầy đủ là Ưu đàm bát la, Ô đàm bạt la, Ô đàm bát la, Uất đàm, Ưu đàm bát hoa, gọi tắt là Đàm hoa, được hiểu có nghĩa là điềm lành linh thiêng, hoa ứng hiện điềm lành. Theo Phật giáo, sự xuất hiện của hoa Ưu Đàm Bà La là dấu hiệu cho biết Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã đến để chỉnh lại công lý trong thế giới này.

Theo khoa học, cây Udumbara (cây Ưu đàm), tên khoa học là Ficus racemosa (syn. Ficus glomerata), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), thường được gọi là cây Cluster Fig hay cây Goolar (Gular) Fig. Nhiều ý kiến cho rằng, cây sung/cây vả của Việt Nam cũng nằm trong họ cây Ưu đàm, có nguồn gốc từ Úc, Đông Nam Á, và Ấn Độ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cây sung/cây vả của Việt Nam cũng nằm trong họ cây Ưu đàm (Ảnh: Internet)

Cây ưu đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Deccan và nước Sri Lanka… Thân cây cao hơn một trượng (khoảng hơn 3,33 m), lá có hai loại: phẳng trơn và thô nhám. Cả hai loại là đều dài 4,5 tấc, nhọn đầu.

Hoa ưu đàm là loại lưỡng tính, rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon.

(Nguồn: Tổng hợp)

Newben / Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/neu-ban-van-thac-mac-hoa-uu-dam-co-y-nghia-gi-thi-day-se-la-cau-tra-loi-cho-ban-20170527094402055.chn