Nếu bị chó nhà hàng xóm cắn…

- Hành vi thường xuyên thả chó ở cổng và để chó cắn người của hàng xóm nhà bạn là vi phạm pháp luật.

Tin bài cùng chuyên mục:

Hàng xóm nhà tôi có nuôi 1 con chó rất to và thường xuyên thả ở cổng. Một lần cháu nội tôi đang chơi ở đó và bị nó cắn vào chân rất đau. Gia đình tôi phải đưa cháu đi tiêm phòng dại, chi phí rất tốn.

Xin hỏi theo pháp luật gia đình kia phải chịu trách nhiệm như thế nào? (Câu hỏi của bạn đọc Minh Thái).

Ảnh minh họa

Trước hết, hành vi thường xuyên thả chó ở cổng và để chó cắn người của hàng xóm nhà bạn là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây (nội dung tóm tắt):

c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;..

Hàng xóm nhà bạn đã không tuân thủ các quy định trên và để gia súc cắn cháu bạn. Vì thế họ sẽ phải bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cụ thể: theo điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì hành vi để gia súc hoặc các động vật khác gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.

Ngoài ra theo quy định Điều 625 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”

Mức bồi thường đối với trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 609 BLDS bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra cũng theo quy định tại Điều này thì người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Như vậy, dựa vào các quy định pháp luật chúng tôi đã nêu ở trên, bạn có thể gặp hàng xóm và yêu cầu họ bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn theo mức mà pháp luật cho phép.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).

Tin bài cùng chuyên mục:
Dao nhọn đâm người, dưới 11% thương tích vẫn bị khởi tố

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/47492/neu-bi-cho-nha-hang-xom-can-.html