'Nếu hình dung báo mạng là nồi lẩu thì báo in phải là món ăn đặc sản'

Đó là chia sẻ của PGS,TS. Hà Huy Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xung quanh câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh của loại hình báo in trong bối cảnh phát triển truyền thông số hiện nay.

PGS,TS Hà Huy Phượng (Nguồn Tạp chí Người làm báo)

Ngô Khiêm (PV): Trong thời đại bùng nổ truyền thông hiện nay, vậy báo chí phát triển theo những xu hướng nào, thưa ông?

PGS,TS Hà Huy Phượng (HHP): Có thể khái quát 8 xu hướng phát triển của báo chí hiện nay như sau:

Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hóa báo chí. Toàn cầu hóa báo chí là xu hướng tất yếu, khách quan, hòa chung bối cảnh toàn cầu hóa thông tin. Thế giới đã trở thành ngôi nhà chung về thông tin. Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, nó trở thành sản phẩm, “món ăn” tinh thần chung của nhân loại. Điều này khác biệt với cách đây khoảng 30 năm, báo chí của quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào chỉ phục vụ cho công chúng ở nơi đó.

Nay, các tờ báo in của các quốc gia được phát hành khắp thế giới. Các đài phát thanh và truyền hình phát sóng vệ tinh phủ khắp các lục địa, quốc gia. Các tờ báo mạng điện tử kết nối thông tin toàn cầu trong giây lát. Toàn cầu hóa báo chí đem lại những lợi ích thiết thực cho các quốc gia, công chúng báo chí. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng những tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thông tin của mỗi quốc gia và công chúng báo chí. Những quốc gia có nền báo chí - truyền thông phát triển sẽ chi phối, lấn lướt các quốc gia có nền báo chí - truyền thông chậm phát triển, đặc biệt là sự chi phối, ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến chính trị, văn hóa.

Thứ hai, xu hướng quốc tế hóa báo chí. Đó là hiện tượng mang tính chủ quan trong tiến trình toàn cầu hóa báo chí. Các quốc gia đem sản phẩm báo chí của mình ra với thế giới nhằm truyền đạt thông tin rộng rãi hơn với mong muốn quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới qua các sản phẩm báo chí. Nhiều tòa soạn báo in của các nước đã mở văn phòng đại diện ở nước ngoài để thu thập thông tin, tổ chức sản xuất và phát hành sản phẩm tại các nước khác nhau. Nhiều đài phát thanh và truyền hình mở văn phòng đại diện, phát sóng các kênh, chương trình tại các khu vực, quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ công chúng nhằm mục đích truyền bá, kinh doanh thông tin.

Thứ ba, xu hướng thương mại hóa báo chí. Đây là xu hướng tất yếu ở những quốc gia có nền báo chí - truyền thông thương mại. Họ coi báo chí là một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa mà mang tính kinh doanh rõ rệt. Việc sản xuất loại sản phẩm “hàng hóa đặc biệt” này cũng phải chịu những quy định của quy luật thị trường nghiêm ngặt. Để đạt được mục đích cuối cùng là lợi nhuận, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm báo chí phải chấp nhận sự rủi ro, cạnh tranh và cả những tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Nhiều tập đoàn truyền thông trở nên phát đạt bởi những chiến lược kinh doanh tốt, bên cạnh đó cũng có nhiều tòa soạn báo có truyền thống lịch sử phát triển cũng phải tự đóng cửa hoặc chuyển sang phương thức hoạt động mới để tồn tại.

Thứ tư, xu hướng tập trung và độc quyền hóa thông tin. Xu hướng này diễn ra chủ yếu ở các quốc gia có nền báo chí thương mại và có các tập đoàn báo chí - truyền thông lớn. Tập trung hóa là hình thức mà các tập đoàn báo chí -  truyền thông lớn thâu tóm các đơn vị báo chí nhỏ lẻ, yếu về tiềm năng tài chính theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Độc quyền hóa thông tin là hình thức các tập đoàn báo chí khai thác, sản xuất và kinh doanh tin tức mang tính độc quyền. Ở đâu xảy ra những sự kiện, vấn đề “nóng” như: chính trị, văn hóa, thể thao, hoa hậu, chiến sự, thiên tai…, là ở đó có các “ông trùm” truyền thông lớn, có thương hiệu đứng ra “bảo kê” thông tin và độc quyền kinh doanh, thu lợi nhuận lớn. Các tập đoàn truyền thông nhỏ, chưa có thương hiệu hầu như không có cơ hội tiếp cận, khai thác và kinh doanh tin tức ở các sự kiện lớn.

Thứ năm, xu hướng chuyên biệt hóa báo chí. Nếu như các tòa soạn báo in, đài phát thanh - truyền hình truyền thống vốn tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí thông tin chung về tất cả các vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội nay đã tìm ra hướng đi mới để tồn tại trong sự cạnh tranh thông tin với “nồi lẩu” báo mạng điện tử, đó là xu hướng xuất bản các sản phẩm báo chí chuyên biệt. Các tờ báo in chú trọng hơn đến xuất bản các ấn phẩm chuyên về các vấn đề xã hội, kinh tế, luật pháp, môi trường, giới tính, dành cho lứa tuổi… Các đài truyền hình chú trọng hơn đến sản xuất các chương trình chuyên biệt về thể thao, nghệ thuật, giải trí, khám phám hoặc các chương trình, chuyên mục dành cho các lứa tuổi, giới tính…

- Thứ sáu, xu hướng gia tăng giữa báo chí và kỹ thuật. Kỷ nguyên số hóa (kỷ nguyên 4.0) đã thực sự chi phối các hoạt động phục vụ đời sống của con người. Báo chí là lĩnh vực có nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ để tạo ra các sản phẩm truyền thông mang lại những tiện ích cho công chúng. Một sản phẩm báo chí được tạo ra, bên cạnh sự sáng tạo về nội dung thi phần lớn nhờ vào các yếu tố kỹ thuật - công nghệ. Do đó, một người làm báo thời công nghệ số nếu không làm chủ được công nghệ thì không thể tạo ra được sản phẩm báo chí đảm bảo đạt yêu cầu trên nền tảng công nghệ số hiện nay.

- Thứ bẩy, xu hướng báo chí ứng dụng mạnh mẽ các tính năng của truyền thông đa phương tiện. Báo chí thời đại truyền thông số phát triển tất yếu có cơ hội để tận dụng tối đa các thế mạnh của công nghệ để tạo ra các sản phẩm tốt nhất nhằm phục vụ công chúng. Thuật ngữ truyền thông đa phương tiện (multimedia) được các nhà làm nghệ thuật ở Mỹ mơ ước từ giữa thế kỷ 20, với mong muốn tạo ra được các sản phẩm truyền thông nghệ thuật tích hợp được nhiều mã ngôn ngữ biểu đạt thông tin. Tuy nhiên, thời điểm đó các điều kiện về kỹ thuật - công nghệ chưa đáp ứng được ước mơ của các nhà nghệ thuật. Phải đến đầu thế kỷ 21, khi ngành công nghiệp công nghệ thông tin phát triển ở mức độ cao thì ước mơ tạo ra các sản phẩm truyền thông trên nền tảng công nghệ đa phương tiện của con người mới được hiện thực hóa. Báo chí là lĩnh vực truyền thông ứng dụng mạnh mẽ các tính năng đa phương tiện. Các cơ quan báo chí bắt đầu chú trọng xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện, đa loại hình. Các tác phẩm báo chí tạo ra được các nhà báo sử dụng nhiều hơn các mã ngôn ngữ biểu đạt. Các nhà báo tận dụng tối đa các tính năng của kỹ thuật và khả năng tương tác đa chiều để sáng tạo nội dung các tác phẩm, sản phẩm báo chí. Mô hình nhà báo đa năng được hình thành để đáp ứng kỹ năng tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông đa phương tiện.

Thứ tám, xu hướng báo chí công dân cạnh tranh với báo chí công cộng. Báo chí công dân (citzen journalism) xuất hiện đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, ban đầu chỉ là chính kiến cá nhân của các giáo sư của một số trường đại học ở Mỹ về các vấn đề xã hội chưa được Chính phủ giải quyết. Sau đó, nó trở thành phong trào bày tỏ chính kiến cá nhân trên hệ thống mạng xã hội, nhất là từ khi internet phát triển ở đầu thế kỷ 21. Báo chí công dân đại diện cho tiếng nói cá nhân và thể hiện tính dân chủ hóa trong truyền thông xã hội. Không thể phủ nhận tất cả thông tin mà báo chí công dân đưa ra là sai trái, thiếu tính khách quan. Từ nguồn tin của báo chí công dân, báo chí công cộng (báo chí đại diện cho các phát ngôn tập thể) sẽ khai thác, phân tích rõ hơn bản chất của sự kiện, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Báo chí công cộng sẽ phải đưa tin, phân tích, bình luận nhanh, chân thật, khách quan để giữ uy tín với công chúng, nếu không, công chúng sẽ tin vào báo chí công dân.

PVHiện nay, các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới phát triển như vũ bão, loại hình báo in trở nên yếu thế. Vậy theo ông, các tòa soạn báo in muốn tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh này thì cần phải làm gì?

HHP: Không chỉ loại hình báo in mà các loại hình báo chí truyền thống khác như phát thanh, truyền hình và kể cả báo mạng điện tử cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện truyền thông mới.

Trên thế giới, báo in ra đời đầu thế kỉ 17 và phát triển chiếm vị trí độc tôn đến tận cuối thế kỷ 20. Ngành phát thanh, truyền hình ra đời ở đầu thế kỷ 20, nhưng mãi đến cuối thế 20 nó mới thực sự phát triển nhờ có sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Lúc này cũng là thời kỳ thoái trào của báo in. Nói như vậy không có nghĩa là loại hình báo in sẽ mất đi mà nó phải chuyển sang phương thức mới để tồn tại vì nói gì thì nói báo in vẫn là loại hình báo chí gốc, có những giá trị mà các loại hình báo chí – truyền thông mới khó có thể thay thế.

Báo in được ví như là một “con rùa”. Khi chưa có các loại hình báo chí nào khác thì “con rùa” báo in là con vật có tốc độ đưa tin nhanh nhất trong các loại hình truyền thông. Khi mà phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử ra đời và cả mạng xã hội nữa, chúng là những “con thỏ” với tốc độ đưa tin nhanh, trực tiếp, trực tuyến và đương nhiên thời của “rùa” báo in đã hết. Vậy, “con rùa” báo in muốn tồn tại và phát triển, nó không thể nối dài thêm chân để đua về mặt tốc độ với những “con thỏ” phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội được.

Những “con rùa” báo in cần phải sử dụng trí thông minh để thắng hoặc ít nhất hòa với các “con thỏ” phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội. Nếu như trước đây các tòa soạn báo in chú trọng đưa tin thời sự các sự sự kiện, vấn đề xảy ra trong các sản phẩm thì nay nên chú trọng vào phân tích, bình luận, lý giải thông tin. Thay vì đua nhau phấn đấu trở thành nhật báo để đưa tin thời sự thì nên ra tuần báo hoặc xuất bản các ấn phẩm chuyên đề, chuyên sâu để phục vụ các nhóm công chúng chuyên biệt. Nếu phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và mạng xã hội đi vào phục vụ công chúng đại trà thì các tờ báo in nên hướng tới công chúng chuyên biệt, thị trường ngách.

Báo in có một yếu thế về mã sử dụng mã và khả năng giải mã thông điệp, đó là chủ yếu sử dụng văn tự, đó đó các sản phẩm báo in thường dễ đơn điệu và khó giải mã đối với những công chúng chưa biết chữ. Do đó, các tòa soạn báo in cần chú trọng viết ngắn, dễ hiểu, sử dụng nhiều hơn hình ảnh chụp, hình vẽ để tạo sự sinh động cho các sản phẩm, hấp dẫn công chúng.

Báo điện tử Sài Gòn giải phóng Thể thao (Nguồn VOV)

PV: Vừa qua Ban Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng quyết định dừng xuất bản tờ Sài Gòn giải phóng Thể thao. Thưa ông, đó có phải là cách làm thông minh không?

HHP: Ở đây ta không bàn đến sự thông minh hay không mà đó là một quyết định đúng. Bởi, nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì nó sẽ gây lãng phí, tốn kém cho tòa soạn. Tôi nghĩ, Ban Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng chỉ nên tập trung vào hai ấn bản nhật báo (tiếng Việt và tiếng Hoa) vốn được coi là sản phẩm truyền thống của báo hoặc chú trọng các ấn phẩm chuyên biệt, xuất bản thưa kỳ. Tuy nhiên, Ban biên tập cần thay đổi mô hình tổ chức thông tin. Mô hình cũ là tổ chức thông tin chung, hướng đến thông tin thời sự, điều này nên dành cho Sài Gòn giải phóng điện tử. Các tờ nhật báo dù đưa tin nhanh đến mấy thì sang hôm sau công chúng mới được đọc, trong khi đó, các tờ báo mạng, phát thanh và truyền hình đã đưa tin trực tiếp, trực tuyến, công chúng đã tường tận cả từ hôm trước. Cái mà công chúng cần cho những thông tin ở những tờ nhật báo đó là những thông tin mang tính phân tích, bình luận, lý giải sâu, rộng về các sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm, điều này các tờ nhật báo lại ít làm được.

Không chỉ là trường hợp của Sài Gòn giải phóng Thể thao dừng xuất bản báo in. Tờ News Week của Mỹ cũng đã dừng xuất bản cách đây ít năm để chuyển sang bản điện tử. Gần đây nhất là tờ Cambodia Daily của Campuchia cũng đã dừng bản in, vì lý do thua lỗ, không thể tồn tại.

Ở ta, những cơ quan báo in không được bao cấp, nếu không thay đổi phương thức, mô hình thông tin cũng sẽ khó lòng tồn tại, phát triển trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo chí và phương tiện truyền thông mới.

PV: Dẫu biết rằng các loại hình báo chí khác đang chiếm ưu thế vì tính tiện ích mà báo in khó có thể cạnh tranh được, nhưng độc giả không hẳn đã “quay lưng” với báo in. Ông nghĩ sao về điều này?

HHP: Muốn thực khách ăn món của mình làm ra trước hết phải tạo ra các món ăn hợp khẩu vị. “Món ăn” báo in dù làm nhanh đến mấy vẫn thua các loại hình báo chí khác về độ “nóng”. Do đó, bây giờ những người làm báo in không nên cố gắng chạy theo độ “nóng” của thông tin. Những người làm báo in cần chấp nhận làm “đồ nguội”, nhưng phải ngon, bổ dưỡng, chứ ôi thiu, ngộ độc thì ai dám ăn.

Các tòa soạn báo in cần có một lối đi riêng cho các sản phẩm của mình, không nên chạy đua với phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử hay mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Nếu hình dung báo mạng là “nồi lẩu thập cẩm” thì các sản phẩm báo in phải là “đặc sản” để phục vụ thực khách. “Đặc sản” mà các tòa soạn báo in tạo ra phải là những thông tin được phân tích, bình luận sâu, rộng. Mặt khác, tính “đặc sản” ở đây là các sản phẩm báo in cần hướng tới những nhóm công chúng chuyên biệt với thông tin theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Điều này, các “nồi lầu” báo mạng không nhằm tới.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Ngô Khiêm (thực hiện) /hoinhbaovietnam.vn

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/nghe-bao/neu-hinh-dung-bao-mang-la-noi-lau-thi-bao-in-phai-la-mon-an-dac-san