Nếu luật ghi nhận "quyền im lặng", sẽ không có nhiều "ông Chấn"

Xét một cách toàn diện, đa số các vụ án oan thường do vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Phải chăng vì chưa có “quyền im lặng” và vị trí của luật sư còn bị xem nhẹ?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) đã bày tỏ những suy nghĩ của mình. Dưới đây là nguyên văn những chia sẻ của ông:

Cùng với sự phát triển, tiến bộ của xã hội, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thì vị trí, vai trò của luật sư trong tố tụng nói chung, tố tụng hình sự nói riêng đang ngày càng được nâng cao. Việc này đã có ý nghĩa to lớn trong hoạt động tố tụng, đảm bảo cho các vụ án được xét xử một cách khách quan hơn, đúng pháp luật hơn.

Những văn bản pháp luật gần đây như Hiến pháp 2013, Luật luật sư, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Luật khiếu nại... đã quy định mở rộng thêm phạm vi hoạt động, hành nghề của luật sư, quy định rõ hơn những quyền của luật sư cũng như quyền của đương sự khi thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế hành nghề luật sư thì các luật sư vẫn còn rất nhiều khó khăn do sự thiếu tôn trọng pháp luật của một số cán bộ, công chức nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về với gia đình (ảnh: Người lao động)

Ngoài ra, với những người tiến hành tố tụng có khuất tất hoặc yếu kém nghiệp vụ thì hay giấu dốt, sợ lộ nên thường tìm mọi cách để cản trở người hành nghề luật sư. Những cán bộ thiếu cái tâm thì lộng quyền, hách dịch coi thường địa vị tố tụng của luật sư.

Ngay như hình thức, vị trí bố trí tại phiên tòa cũng cho thấy luật sư còn phải ngồi "dưới chân" của thư ký hoặc đại diện Viện kiểm sát, nhiều nơi còn bàn chẳng ra bàn, không có biển hiệu... Những điều đó thể hiện vị trí, vai trò của luật sư còn bị xem nhẹ, chưa tương xứng với địa vị tố tụng, chưa đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Mặc dù, hiện nay những hiện tượng này đã và đang được khắc phục, cải thiện nhưng cũng cần đẩy mạnh sự lành mạnh, văn minh trong tố tụng thì mới góp phần bình ổn và phát triển xã hội.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì luật sư được tham gia vụ án ngay từ giai đoạn bị tạm giữ, tạm giam... Tuy nhiên, thực tế cái quyền này của luật sư không được bảo đảm. Thông tư số 70/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định: Trong trường hợp bị can, bị cáo bị tạm giam thì phải trực tiếp bị can bị cáo viết giấy mời luật sư hoặc viết giấy nhờ người nhà mời luật sư thì luật sư mới được tham gia. Tuy nhiên, khi đó bị can đang rất hoang mang làm sao biết luật sư nào mà mời, có muốn mời cũng làm sao để chuyển giấy ra ngoài tới tay luật sư. Đồng thời, chỉ cần có thông tin là bị can, bị cáo không mời luật sư là cơ quan điều tra có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận cho luật sư mà thông tin này lại rất khó kiểm chứng xem đúng đắn đến đâu, có phải là ý chí của bị can, bị cáo hay không...

Khi "may mắn" luật sư tham gia được ngay từ giai đoạn điều tra thì việc thực hiện quyền bào chữa của luật sư cũng không mấy hiệu quả bởi cán bộ điều tra có thể lấy lời khai bất cứ lúc nào và luật cũng không quy định là mọi bản cung đều bắt buộc có mặt luật sư, có chữ ký luật sư. Thậm chí, có nhưng vụ việc cán bộ điều tra tiếp xúc nhiều lần với bị can, bị cáo mà không lập biên bản, không có mặt của luật sư khiến bị can, bị cáo bị áp lực về tinh thần cao độ mà không biết kêu ai...

Đến khi xét xử, tại tòa án, bị cáo trả lời "sự thật" khác với nội dung trong giai đoạn điều tra thì thường không được xem xét vì "án tại hồ sơ" rồi. Nếu bị cáo khai khác với hồ sơ thì Hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát thường hỏi là: - Giai đoạn điều tra bị báo có bị bức cung, ép cung không? Nếu bị cáo trả lời là "không" thì đồng nghĩa với việc chứng cứ trong hồ sơ là căn cứ kết tội chứ không căn cứ vào diễn biến phiên tòa. Nếu bị cáo trả lời là "có bị cáo bị mớm cung, ép cung, bức cung.." thì lại bị hỏi tiếp: - Có chứng cứ gì không?. Làm sao mà bị cáo có chứng cứ về việc ép cung, bức cung được khi mà buổi làm việc chỉ có bị cáo và điều tra viên?

Những buổi có mặt luật sư thì nội dung câu chuyện đã được "dàn xếp" trong những buổi làm việc không có văn bản, vắng mặt luật sư rồi, luật sư chỉ là có mặt để thể hiện ra văn bản thôi... Những luật sư trực tiếp tham gia tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự mới thấy sự cần thiết của quy định "quyền im lặng" như thế nào. Cùng với đó là phải gắn camera tại buồng giam, phòng hỏi cung, phải quy định cán bộ điều tra chỉ được tiếp xúc với bị can khi có mặt luật sư.... thì mới đảm bảo được sự công bằng, khách quan trong tố tụng hình sự. Làm được như vậy thì sẽ tránh được oan sai và đảm bảo quyền công dân, quyền của bị can bị cáo.

Về nguyên tắc một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vậy là trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử họ chỉ là người bị tình nghi và vẫn có thể vô tội. Vậy mà họ lại bị tạm giam, tam giữ, thậm chí bị bỏ đói, bỏ khát, đánh đập, bức cung, nhiều trường hợp dẫn đến chết người như ở Kim Nỗ - Đông Anh, Phú Yên... vừa qua.

Giai đoạn điều tra, bị tạm giam thể chất, tinh thần của bị can bị đầy đọa, áp lực, khổ ái hơn cả khi chấp hành án tù. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến nội dung lời khai, trình bày của bị an khi thực hiện các hoạt động điều tra. Có nhiều vụ việc nếu bị can thấy khổ, muốn được tại ngoại thì ngoan ngoãn, thành khẩn nhận tội, thậm chí phải nhận những thứ không phải do mình gây ra... nếu không nhận thì cử ở trong đó mà "nếm trải nơi địa ngục trần gian"!.

Vì vậy, theo tôi, đến thời điểm hiện nay, trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao vai trò vị trí của luật sư và thực hiện ngay "quyền được im lặng" chờ luật sư của các bị can, bị cáo. Điều này phù hợp với Điều 10, Bộ luật tố tụng hình sự: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 72 BLTTHS cũng quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Hồng Chuyên (ghi theo lời Ls Đặng Văn Cường)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/neu-luat-ghi-nhan-quyen-im-lang-se-khong-co-nhieu-ong-chan-post146555.info