Nếu Socrates là nhà báo

Một giai thoại về Socrates khiến những người làm báo không khỏi giật mình, bởi báo chí quả thực chẳng liên quan gì đến cái sự hiền triết.

Socrates được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Theo ông sự thật còn quan trọng hơn với cả sự sống. Trong ảnh là bức họa ‘The School of Athens’ của Raphael. Giai thoại rằng một chàng trai sốt sắng tìm gặp nhà đại hiền triết để kể một chuyện. “Chờ một chút”, Socrates nói, “Trước khi kể cho ta bất cứ điều gì, ta muốn ngươi phải qua được một bài kiểm tra nho nhỏ, tạm gọi là ‘3 lọc’ ”. “Trước khi ngươi đưa ‘câu chuyện’ cho ta, ngươi cũng nên tự xét xem ngươi sẽ kể điều gì”, đó là lý do tại sao có bài kiểm tra “3 lọc”. Bài lọc đầu tiên là Sự thật. Ngươi hoàn toàn chắc chắn rằng những gì ngươi sắp kể với ta đều là thật chứ? “Không, thưa ngài”, chàng trai nói, “Thực ra tôi chỉ mới nghe về điều đó, còn…”. “Thôi được rồi, vậy ngươi không biết liệu nó có đúng sự thực hay không. Giờ chúng ta hãy thử bài lọc thứ hai có tên là Lòng tốt. Những điều ngươi sắp kể với ta có tốt đẹp gì không?”. “Không, trái lại…”. “Vậy à, ngươi muốn kể một điều gì đó tồi tệ, nhưng ngươi lại không chắc điều đó có đúng hay không. Có thể ‘câu chuyện’ của ngươi vẫn dùng được, nếu ngươi vượt qua được bài lọc Hữu ích. Điều ngươi muốn kể với ta sẽ hữu ích chứ?”. “Không, không thực sự”. “Nào”, Socrates kết luận, “Nếu ‘câu chuyện’ của ngươi mang đến không đúng sự thực hoặc không tốt hay thậm chí còn không hữu ích, vậy tại sao ta phải lắng nghe?”. Trong trường hợp Socrates làm báo, “3 lọc” sẽ phải là: 1 “Hot”, 2 Lợi ích, và 3 Nhậy cảm. Từ 1, 2 và 3 ta có: “Nào”, đại nhà báo Socrates kết luận, “Nếu tin đã không ‘hot’, hoặc chẳng mang lại lợi ích gì cho tòa soạn, thậm chí lại còn nhậy cảm nữa, vậy nhà ngươi mang đến cho ta làm gì?”. SK

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Bandocviet/Neu-Socrates-la-nha-bao/532A9CFE1E9FAF34/