New Zealand hỗ trợ khẩn cấp cho 5.000 người dân Bình Định sau lũ

Đại sứ quán New Zealand đã đưa ra khoản viện trợ khẩn cấp 250.000 đô la New Zealand nhằm giúp đỡ 1.160 hộ gia đình, ước tính khoảng 5.000 người dân Bình Định bị ảnh hưởng do lũ.

Bên cạnh việc nhà nước hỗ trợ 2000 tấn gạo cho Bình Định thì New Zealand cũng chung tay góp sức.

Theo thông tin trên Vietnamplus, ngày 18/1, Đại sứ quán New Zealand đã công bố khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 250.000 đô la New Zealand cho cộng đồng người dân tại Bình Định đang chịu ảnh hưởng bởi năm trận lũ lớn từ tháng 10/2016 đến cuối tháng 12/2016 vừa qua.

Hỗ trợ các hộ có nhà bị nước lũ làm sập cuốn trôi tìm kiếm các tài sản còn sót lại. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Khoản viện trợ của New Zealand hướng tới 1.160 hộ gia đình, ước tính khoảng 5.000 người dân, đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực nông thôn.

Khoản cứu trợ khẩn cấp sẽ được Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tể (IFRC) và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) cung cấp, phối hợp chặt chẽ cùng những nỗ lực khắc phục thiên tai của Chính phủ Việt Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews chia sẻ: “Sự trợ giúp này rất thiết thực, cung cấp những nhu yếu phẩm cơ bản giúp các gia đình, để họ bắt đầu tái xây dựng cuộc sống”.

Tại Việt Nam, New Zealand hỗ trợ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, phát triển giáo dục và kĩ năng, quản lý rủi ro thiên tai. Tổng số tiền tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2015-2018 là 26,6 triệu đô la New Zealand.

Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

"1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tin-tuc-24h-new-zealand-ho-tro-khan-cap-cho-5000-nguoi-dan-binh-dinh-sau-lu-a178726.html