Newsweek công bố 10 sự kiện thế giới 'kinh thiên động địa' nhất năm 2016

Tạp chí Newsweek đã vừa công bố 10 sự kiện thế giới tiêu biểu nhất đã xảy ra trong năm 2016, và ảnh hưởng của nó sẽ còn kéo dài đến năm 2017.

Colombia thống nhất thỏa thuận hòa bình

Binh lính FARC hành quân trên một cánh đồng (ảnh chụp năm 1999).

Tổng thống Colombia Juan Santos đắc cử vào năm 2010 với lời hứa rằng chính phủ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã kéo dài 50 năm qua. Thế nhưng sau khi nắm quyền, ông lại làm ngược lại lời hứa của mình.

Ông Santos đã nỗ lực đàm phán với FARC trong suốt nhiệm kỳ của mình và vào ngày 25/08/2016, hai bên đã nhất trí một hiệp định gồm 6 điều kiện, đồng thời tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để chấp thuận hiệp định này. Người tiền nhiệm của ông Santos, cựu Tổng thống Alvaro Uribe, đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này do nó quá nhẹ tay với FARC. Cuộc trưng cầu dân ý sau đó cũng cho kết quả không như ý: phần lớn người dân bỏ phiếu phản đối hiệp định trên.

Không bỏ cuộc, Tổng thống Santos lại đưa ra một thỏa thuận mới vào ngày 24/11/2016, qua đó những điều kiện nghiêm khắc hơn được áp dụng đối với các thành viên của FARC. Thay đổi lớn nhất đó là thỏa thuận này không cần trưng cầu dân ý để có hiệu lực. Một tuần sau đó, Quốc hội Colombia bỏ phiếu tán thành hiệp định này. Giờ đây người dân Colombia hi vọng hiệp định sẽ phát huy hiệu quả sau nhiều năm xung đột dai dẳng.

Tổng thống Brazil và Hàn Quốc bị khởi tố

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã bị khởi tố sau hàng loạt bê bối lớn trong năm 2016.

Bà Dilma Rousseff đã tin rằng năm 2016 sẽ là năm thành công lớn đối với Brazil khi đất nước lần đầu tiên tổ chức đăng cai Thế vận hội. Thế nhưng, kinh tế đi xuống cùng với việc một công ty dầu mỏ mà bà Rousseff từng là giám đốc điều hành vướng vào bê bối rửa tiền đã khiến tỉ lệ tín nhiệm của bà giảm xuống chỉ còn 13%. Không chỉ có vậy, phe đối lập còn cáo buộc bà làm giả số liệu thống kê năm 2014 để che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách của đất nước và cho phép bà tái đắc cử Tổng thống.

Tại Hàn Quốc, bà Park Geun-hye thì vướng vào một vụ bê bối mới, khi các hãng thông tấn công bố rằng một người bạn lâu năm của bà đã lợi dụng quan hệ với Tổng thống Hàn Quốc để gây ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ, đồng thời bòn rút tiền từ các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngay sau đó, hàng ngàn người dân đổ xuống đường để yêu cầu bà Park từ chức. Bà Rousseff và Park đều đã bị khởi tố và buộc từ chức.

Phía đông Aleppo được giải phóng

Binh lính quân nổi dậy Syria trước khi được sơ tán khỏi Aleppo.

Với việc Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào tháng 9/2015, quân đội Syria, trước đó bị thất thế trước lực lượng nổi dậy, đã có đà để tấn công. Tháng 6/2016, họ tiến hành một chiến dịch quân sự lớn nhằm giành lại các khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng ở phía Đông thành phố Aleppo, nơi từng là thành phố lớn nhất Syria. Một lệnh ngừng bắn được áp dụng vào tháng 9 đã đổ vỡ nhanh chóng.

Quân chính phủ Syria đã liên tục giành được nhiều khu vực từ tay quân nổi dậy, trong khi Mỹ và các nước đồng minh chỉ liên tục cáo buộc Nga và Syria, gọi đây là “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất hiện nay”. Sau đó, một thỏa thuận đã được đưa ra, qua đó cho phép binh sĩ quân nổi dậy trong thành phố cùng nhiều dân thường rời khỏi Aleppo.

Mặc dù Aleppo được giải phóng, cuộc chiến tranh ở Syria kéo dài hơn 5 năm và khiến nửa triệu người chết vẫn còn tiếp diễn. Phần lớn khu vực phía Đông Syria đều nằm trong tay quân nổi dậy, trong khi đó IS vừa giành lại thành phố Palmyra từ tay quân đội Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra âm mưu đảo chính

Thiếu tá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Sukru Seymen (giữa) bị đưa ra tòa do bị nghi tham gia vào cuộc đảo chính ngày 15/7.

Vào khoảng nửa đêm ngày 15/7 (giờ địa phương), một nhóm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bí mật tiến hành âm mưu nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh ông này ngày càng có những động thái chuyên quyền.

Âm mưu đảo chính tưởng như sẽ thành công, nhưng bất ngờ ông Erdogan xuất hiện trên các kênh truyền hình trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ với một chiếc điện thoại iPhone, ông kêu gọi người dân đẩy lùi cuộc đảo chính. Ngay lập tức, hàng ngàn người dân đã xuống đường phản đối, và đến sáng ngày 16/7 lực lượng quân đội trung thành với chính phủ đã giành lại kiểm soát.

Ông Erdogan quy trách nhiệm cho giáo sĩ Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vọng ở bang Pennsylvania (Mỹ), đứng đằng sau cuộc đảo chính và yêu cầu Mỹ dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ. Washington lên tiếng bác bỏ yêu cầu này với lý do không có bằng chứng xác thực, khiến Ankara giận dữ và nhiều người nghi ngờ rằng chính Mỹ đã khuyến khích cuộc đảo chính này xảy ra, đồng thời quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bị rạn nứt.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành một chiến dịch truy quét lớn, khiến hơn 100.000 quan chức bị bắt giữ hoặc bị sa thải, nhiều hãng thông tấn đã bị đóng cửa và các chính trị gia ủng hộ người Kurd bị bắt. Sau âm mưu đảo chính, vị thế chính trị của ông Erdogan càng được củng cố.

Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines

Một cảnh sát Philippines đang ghi nhận hiện trường cạnh xác một người đàn ông, được cho là một thành viên của một băng nhóm buôn ma túy bị tiêu diệt trong cuộc truy quét của Tổng thống Duterte.

Vào tháng 5/2016, ông Rodrigo Duterte đã đắc cử Tổng thống Philippines với tỉ lệ ủng hộ là 39%, và sau khi nắm quyền đã thay đổi hoàn toàn cung cách làm việc của Manila.

Là một nhân vật có chủ trương cứng rắn và tư tưởng bài Mỹ, ông khiến Philippines xa rời Mỹ - một quốc gia được nhiều người Philippines yêu quý và hai nước đã ký kết hiệp ước liên minh với nhau. Ông Duterte lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, tuyên bố rằng Philippines sẽ tách khỏi Mỹ và yêu cầu quân đội Mỹ rời Philippines trong vòng 2 năm tới.

Quốc gia được lợi nhất từ những động thái của ông Duterte là Trung Quốc, một quốc gia nhiều người Philippines ghét bỏ. Sau khi tòa án quốc tế tuyên bố rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông, ông Duterte cho biết phán quyết này sẽ được “đặt sang một bên” và bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ với Trung Quốc. Tuy vậy ông Duterte vẫn chưa có bất kỳ hành động chắc chắn nào, và nhiều chuyên gia tin rằng ông cố ý để hai cường quốc thế giới cạnh tranh nhau trên Biển Đông.

Trong khi đó, chiến dịch truy quét các thành phần nghiện ma túy và các băng nhóm buôn thuốc phiện đang khiến quan hệ giữa Mỹ và Philippines gặp khó khăn. Chiến dịch này đã khiến ít nhất 4.000 người chết và bị cộng đồng quốc tế lên án.

Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương có nguy cơ đổ vỡ

Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được áp dụng vào năm 2016 và được nhiều nước hoan nghênh. Đây được coi là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử và là một trong những động thái nhằm khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với Châu Á.

Thế nhưng hiệp định TPP lại bị cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ công kích dữ dội. Chính quyền Tổng thống Obama hi vọng rằng Quốc Mỹ sẽ thông qua hiệp định này, nhưng việc ông Donald Trump đắc cử có thể khiến nó bị bác bỏ. Trong khi đó, 11 quốc gia đã cùng Mỹ ký kết TPP hiện đang không biết phải làm gì tiếp theo.

Nhiều chuyên gia phân tích đối ngoại cho biết, quốc gia được lợi nhất sẽ là Trung Quốc, bởi đây là cơ hội để nước này có thể khẳng định vị thế của mình trong khu vực năng động nhất trên thị trường kinh tế thế giới. Không chỉ có vậy, tiến trình trình tự do thương mại, từ lâu là động lực để thúc đẩy kinh tế toàn cầu giờ đây đang dần bị hạn chế và có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với nhiều quốc gia.

Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa

Một quả tên lửa của Triều Tiên được phóng thử nghiệm.

Trong vòng hơn hai thập kỷ qua, Mỹ đã gây sức ép để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhưng không thành công. Vào tháng 1 năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, tiếp theo đó là hàng loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Vào ngày 9/9, Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, gây ra một vụ nổ có sức công phá 10 kiloton.

Trái với những tuyên bố của Triều Tiên, nhiều chuyên gia tin rằng nước này vẫn chưa đủ khả năng để chế tạo một quả bom nhiệt hạch. Họ cũng tin rằng Triều Tiên sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để bắn đến lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, tên lửa Triều Tiên đã có thể bắn đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vào tháng 7, Washington và Seoul đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. Washington cũng hợp tác với Bắc Kinh để thông qua một nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm giới hạn số lượng than mà Triều Tiên có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Thế nhưng, Triều Tiên vẫn quyết không nhượng bộ.

Vì vậy, trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama đã nói với ông Trump rằng Triều Tiên phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Mỹ mới.

Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU)

Việc phần lớn người dân Anh ủng hộ Brexit đã khiến ông David Cameron phải từ chức Thủ tướng.

Tất cả các cuộc khảo sát đều cho thấy rằng tỉ lệ người Anh bỏ phiếu ở lại EU sẽ nhiều hơn số người muốn Anh rời khỏi liên minh này. Thế nhưng thực tế, phe Brexit đã chiến thắng với tỉ lệ ủng hộ là 52%.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã chấm dứt sự nghiệp của Thủ tướng David Cameron, người đã kêu gọi tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến. Bà Theresa May, một trong số những người ủng hộ Anh ở lại EU, đã nổi lên trong lúc nội bộ đảng Bảo thủ Anh đang tranh cãi nhau và trở thành Thủ tướng mới của nước Anh. Ngay lập tức bà khẳng định rằng Anh sẽ rời EU.

Nhưng quá trình tách khỏi Liên minh Châu Âu vẫn còn nhiều vấn đề. Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra được những điều kiện mà họ muốn sau khi tách khỏi EU. Quốc hội Anh sẽ còn phải bỏ phiếu biểu quyết để thực thi Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để chính thức bắt đầu quá trình rời khỏi EU.

Bà May cho biết bà muốn Quốc hội bỏ phiếu vào tháng 3 năm sau, tuy nhiên Hà Lan, Pháp và Đức đều sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2017. Nhiều khả năng những quốc gia này sẽ không đàm phán với Anh về vấn đề Brexit trước khi các cuộc bầu cử trên kết thúc. Như vậy, quá trình Brexit sẽ còn xảy ra nhiều sự kiện bất ngờ trong tương lai.

Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp cuối năm trên truyền hình.

Các cơ quan tình báo Mỹ đều nhất trí rằng Nga đã xâm nhập vào hộp thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ (DNC) và ông John Podesta, chủ tịch phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, sau đó chuyển những bức thư này cho WikiLeaks để phát tán trên mạng vào tháng 7/2016.

Nội dung của những bức thư này bao gồm những cuộc trao đổi đáng xấu hổ giữa những người thân cận với bà Clinton, khiến uy tín của bà bị ảnh hưởng xấu. Vào tháng 10, các quan chức Mỹ công khai cáo buộc chính phủ Nga tấn công mạng và cho rằng Nga đang cố tình gây ra xung đột trong cuộc bầu cử và phá hoại nền dân chủ Mỹ.

Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, một số hãng thông tấn cho biết CIA khẳng định rằng Nga đã hành động để giúp ông Trump đắc cử, và rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân phê duyệt chiến dịch này. FBI sau đó cũng lên tiếng đồng tình với kết luận trên. Ông Trump đã bác bỏ những tuyên bố trên, gọi việc Nga giúp ông là “lố bịch” và đặt câu hỏi vì sao vụ việc này không được đưa ra trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Tổng thống Obama đã yêu cầu tiến hành điều tra và thề sẽ “hành động” để trừng phạt Nga. Rất có thể những cáo buộc đối với Nga sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Kể từ khi ông tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vào ngày 16/09/2015, các chuyên gia chính trị tin rằng ông Trump không có cơ hội đắc cử. Thế nhưng vào ngày 8/11, người Mỹ đã bầu ông làm Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 45.

Ông Trump là một trong số 5 Tổng thống Mỹ được nhậm chức mặc dù có tỉ lệ phiếu bầu phổ thông ủng hộ thấp hơn đối thủ của mình. Ông cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên chưa từng đảm đương chức vụ nào trong chính phủ hay trong quân đội Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thề sẽ xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, đe dọa sẽ xóa bỏ một loạt thỏa thuận thương mại lớn của Mỹ, nghi ngờ sự thiết thực của NATO và phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ được cả hai đảng thực hiện trong vòng 3 thập kỷ qua.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Trump còn hứa sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc và mềm mỏng hơn với Nga. Những nỗ lực của ông nhiều khả năng sẽ khiến nội bộ đảng Cộng hòa tranh cãi lẫn nhau, đặc biệt là sau khi CIA cáo buộc Nga giúp ông Trump đắc cử Tổng thống.

Chắc chắn rằng những quyết định đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ được tất cả các hãng tin trên thế giới và chuyên gia quan tâm trong năm 2017, và có thể sẽ thay đổi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và thế giới.

Một số sự kiện tiêu biểu khác: Khủng bố xảy ra tại Nice, Bỉ, Pakistan và Orlando; Hồ sơ Panama được công bố; Virut Zika trở thành hiểm họa lớn trên toàn thế giới; Quân đội Iraq và Mỹ tổ chức chiến dịch quân sự nhằm giải phóng Mosul khỏi tay IS v.v...

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/newsweek-cong-bo-10-su-kien-the-gioi-kinh-thien-dong-dia-nhat-nam-2016-post218013.info