Nga bán tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, 'chọc ngoáy' NATO

Nga vừa ký thỏa thuận bán tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái được xem là nhằm "chọc ngoáy" NATO, theo báo Moscow Times ngày 12.9.

Thương vụ này gắn kết quan hệ Nga - Thổ, tiếp sau giai đoạn căng thẳng vì Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Nga ở vùng biên giới Syria hồi cuối năm 2015. Thỏa thuận này cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn rời xa các đồng minh phương Tây trong khối NATO.

Ngày 12.9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố: “Không ai có quyền bàn luận những nguyên tắc độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc những quyết định độc lập về công nghệ quốc phòng của chúng tôi”.

Ông còn cho biết đã chi một khoản tạm ứng để mua S-400 của Nga. Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga xác nhận với hãng tin Interfax rằng đã ký một hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh việc cung cấp hệ thống vũ khí này là quyền lợi địa chính trị của Nga.

Ngày 28.8, báo Kommersant (Nga) dẫn lời ông Dmitry Shugaev, giám đốc cơ quan trên, tiết lộ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bàn thảo chi tiết thương vụ mua 4 hệ thống tên lửa tầm cao S-400 với giá 2,5 tỉ USD kể từ năm 2018.

Theo thỏa thuận, các quan chức quốc phòng Nga sẽ giao 2/4 tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Công ty quốc phòng Rosoboronexport (Nga). Hai hệ thống còn lại sẽ triển khai trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng linh kiện do quân đội Nga cung cấp.

Ngày 31.7, báo Washington Times (Mỹ) khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 khiến Lầu Năm Góc lo ngại, vì chúng sẽ gây hại cho hoạt động điều phối giữa Mỹ và đồng minh NATO, cụ thể là gây ra sự lẫn lộn trên chiến trường giữa Ankara với các thành viên NATO.

Đa số các nước thành viên NATO trang bị vũ khí do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất. Bên cạnh đó, quân đội NATO không được huấn luyện sử dụng vũ khí hạng nặng do Nga sản xuất như tên lửa S-400. Hồi năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ từng có ý định mua tên lửa ngăn chặn của Trung Quốc nhưng phải hủy vì sức ép của NATO và Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua S-400 hơn là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy Ankara muốn tìm nước khác ủng hộ quân sự và không muốn nhờ cậy Mỹ nữa, từ chuyện Mỹ - Thổ bất đồng về việc Lầu Năm Góc chống lưng quân Kurd ở Syria và Iraq trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem lực lượng này là “khủng bố”.

Trước đó, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin thông báo rằng Ấn Độ cũng quan tâm đến S-400 và muốn mua để trang bị cho nhiều trung đoàn. Tháng 10.2016, Nga - Ấn đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp cho New Delhi tên lửa S-400. Ấn Độ dự kiến sẽ mua ít nhất 5 hệ thống tên lửa này.

S-400 "Triumph" là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn hệ thống tên lửa S-300. Hệ thống mới có thể tiêu diệt tất cả các vật thể bay trong phạm vi hơn 400 km, gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái… ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa (của mục tiêu) lên đến 4.800 m/giây.

S-400 hiện đang được sử dụng để bảo vệ căn cứ quân sự Hmeimim của Nga ở Syria.

Theo ông Shugaev, 50% xuất khẩu vũ khí của Nga hiện nay là các đơn hàng trực thăng và máy bay chiến đấu. Nga chiếm 27% thị trường máy bay quân sự toàn cầu.

Trung Trực (theo Moscow Times, Washington Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nga-ban-ten-lua-s-400-cho-tho-nhi-ky-choc-ngoay-nato-71392.html