Nga chẳng thiếu gì, ngoài… Anh

Bóng đá Nga rất giàu có. Đấy là một nghịch lý nếu biết rằng, người Nga môn gì cũng giỏi, ngoại trừ… bóng đá.

Từ bóng rổ tới khúc côn cầu, Nga luôn là cường quốc. Hễ ở đâu có các môn thi đấu Olympics là tại đó người Nga lên tiếng. Nhưng bóng đá, môn thể thao vua là nỗi ám ảnh bám riết lấy họ nhiều năm qua.

Sau sự tan rã của Liên Bang Xô Viết, thành tích tốt nhất của bóng đá Nga là bán kết EURO 2008. Đó gần như là ấn tượng duy nhất “gấu” Nga để lại trên trường quốc tế, dù rằng nguồn ngoại tệ chảy vào các sân bóng xứ bạch dương không ngừng lũy tiến.

Niềm vui của các cầu thủ Nga khi cầm hòa Anh trong trận đấu vòng bàng tại Euro 2016. Ảnh: Reuters.

Trên con đường thương mại hóa, người Nga chi hàng trăm triệu bảng mua ngôi sao hòng làm tăng tính hấp dẫn cho giải VĐQG. Những đội bóng như Zenit hay Rubin Kazan gắn liền tên tuổi với các tập đoàn dầu khí khổng lồ.

Nhưng những nỗ lực cấp CLB không giúp đội tuyển khá hơn. Đấy mới là điều người Nga thực sự mong mỏi. Một dân tộc giàu lòng ái quốc như Nga cần chiến công trên trường quốc tế.

Sau thế hệ của Andrei Arshavin và Zhirkov, bóng đá Nga rơi vào cảnh khan hiếm tài năng. Tái tạo nguồn nhân lực từ lâu đã là vấn đề nhức nhối của giới quan chức tại đây.

Bóng đá Nga chưa có thành tích nào nổi bật trong kỷ nguyên hậu Xô Viết. Ảnh: Reuters.

Là chủ nhà World Cup 2018, Nga không muốn mất mặt. Vì thế, đầu năm ngoái, tổng thống Putin thông qua dự thảo sửa đổi luật lao động. Các CLB phải tuân thủ chặt chẽ quy định “trên sân, luôn có tối thiểu 4 cầu bản địa”.

Chỉ 11 tháng sau, hạn mức quota nâng từ 4 lên 5. EURO 2016 là cơ hội rất tốt cho toàn đội tổng dượt trước trận đánh lớn sau đây 2 năm. Người Nga kỳ vọng việc hạn chế sự xâm lấn của dàn lính đánh thuê sẽ mở rộng sân chơi cho cầu thủ trẻ, những sản phẩm cây nhà lá vườn.

Vậy mà đội hình HLV Leonid Slutsky mang tới Pháp vẫn là đội hình già nua. Độ tuổi trung bình của Nga là 28,57 – cao thứ nhì trong danh sách 24 đội tham gia tranh tài.

Kế hoạch của Putin và các cộng sự tại điện Kremlin xem ra không phát huy tác dụng, bất chấp lợi thế nằm ngoài EU, được toàn quyền thay đổi chính sách mà không cần bận tâm quá nhiều tới hiến pháp quốc tế hay đạo luật phổ quát nào.

Vấn đề của bóng đá Anh những năm trở lại đây gần tương tự bóng đá Nga. Đó là những nền bóng đá thiếu bản sắc, bị chi phối bởi sức mạnh kim tiền.

Người Anh cũng từng nghĩ tới phương án hạn chế cầu thủ ngoại với đạo luật “Home-grown”. Song rốt cuộc, họ giữ nguyên mọi thứ, và “mở rộng” thay vì “bó hẹp”. Một mặt, FA cho phép các CLB tiếp tục mua sắm thoải mái, mặt khác tổ chức giải Premier League cho đội U21, coi đấy là nơi tập dượt nhà nghề của những mầm non mai sau.

Sức cạnh tranh không mất đi, mà “con nhà nòi” không lo thiếu dất dung thân. Để rồi, sau 8 năm miệt mài, tuyển Anh phiên bản 2016 là tập thể giàu sức sống nhất từng thấy. Tam Sư là đội tuyển có tuổi trung bình thấp nhất giải, với những cá nhân tài năng, thừa kinh nghiệm đỉnh cao.

Xem cái cách các “cậu bé” Anh quần thảo những “bác già” Nga trong trận đấu vừa kết thúc cách đây không lâu mới thấy, đường hướng phát triển của bóng đá Nga không thực sự hợp thời. Nga không quá lép vế, nhưng không thể cứ gồng lên mà đá hàng ngày.

Nếu còn thiếu chất xúc tác nào đó trong quá trình bôi trơn của bóng đá Nga, ắt chỉ có thể là những chất liệu làm nên ĐT Anh hôm nay.

Khải Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/euro-2016/nga-chang-thieu-gi-ngoai-anh-396043/