Nga chơi trò chơi chiến tranh, NATO như ngồi trên lửa

Càng gần đến ngày Nga và Beralus tập trận, mối lo ngại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) càng lớn dần, bởi nó diễn ra vào thời điểm mối quan hệ của Nga và Mỹ xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đồng thời đây là cuộc “phô trương sức mạnh” lớn nhất của Nga trong 1/4 thế kỷ qua.

Cuộc diễn tập khổng lồ

Cuộc tập trận mang tên Zapad 2017 sẽ diễn ra từ 14-20/9 tại Belarus, biển Baltic và Kaliningrat, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga ở giữa Litva và Ba Lan. Mặc dù Nga tuyên bố, cuộc tập trận với Beralus lần này là cuộc diễn tập định kỳ 4 năm một lần, giống như bất cứ một cuộc tập trận nào Nga đã tham gia, tuy nhiên, cuộc tập trận này thu hút sự quan tâm của các nước phương Tây bởi tính chất, quy mô, phạm vi và thời điểm mà nó diễn ra.

Theo truyền thông Nga, cuộc diễn tập này sẽ diễn ra ở Belarus và phía Tây nước Nga, với sự tham gia của 5.500 binh sĩ Nga, 7.200 quân Belarus cùng khoảng 70 máy bay, 250 xe tăng và 200 hệ thống pháo binh, 10 tàu hải quân. Cuộc tập trận sẽ tổ chức thành hai giai đoạn, trên lãnh thổ Nga và Belarus, nhưng trọng tâm là hoạt động ở 7 căn cứ quân sự ở Belarus. Mục tiêu của cuộc tập trận là tăng cường khả năng phòng thủ.

Giới chức Mỹ cũng như các quốc gia Baltic đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận Zapad, họ cho rằng Nga sẽ huy động tới 100.000 quân để tham gia cuộc tập trận này. Điều đáng lo hơn là số quân này sẽ trải dài dọc biên giới Belarus, ngay sát biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Lithuania. Đây sẽ là một “vỏ bọc hoàn hảo” cho một cuộc xâm lược vào các nước NATO.

Trước mối lo ngại của phương Tây, Nga đã lên tiếng trấn an rằng cuộc tập trận này của mình không đe dọa bất cứ nước nào, hơn nữa cuộc tập trận này trên lãnh thổ Nga và Belarus vậy tại sao có thể khiến khu vực “mất ổn định” như cáo buộc của phương Tây? Tờ Russia insider lập luận, nếu cho rằng Nga đang gây bất ổn cho khu vực thì các cuộc tập trận của NATO sát biên giới Nga có gọi là hành vi gây bất ổn không?

Để đối phó với những mối đe dọa từ Nga, Mỹ và NATO cũng không “ngồi yên”. Mỹ đã bổ sung hàng trăm binh sĩ, cùng các loại thiết bị, khí tài quân sự như tên lửa đánh chặn Patriot đến khu vực Baltic, đưa quân số của Mỹ và NATO đồn trú quanh nước Nga tới 4.000 binh sĩ. Ngay cả các hoạt động ngoại giao cũng được xúc tiến đề phòng một cuộc xung đột có thể xảy ra.

Cuộc tập trận của Nga khiến NATO lo ngại.

Kịch bản nào hậu Zapad?

Các nước NATO lo ngại cuộc tập trận Zapad có thể kết thúc bằng việc Nga mở một mặt trận mới ở khu vực hoặc xâm lược các nước thành viên của NATO, cụ thể là cuộc tập trận này sẽ là một lần tập dượt cho kịch bản phòng thủ, từ đó làm bàn đạp để xâm nhập Ba Lan, Lithuania hay Ukraine. ông Ben Hodges - Chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu cho biết, không ai có thể lường trước những vũ khí và binh lính đó sẽ di chuyển tới đâu sau cuộc tập trận. Mỹ cho rằng những binh sĩ và khí tài quân sự này sẽ được sử dụng chính khi cuộc tập trận khép lại. Đây mới là điều lo ngại nhất. Bởi trước đây, sau cuộc tập trận của Nga năm 2008 xảy ra cuộc chiến tranh với Gruzia, sau cuộc tập trận Zapad năm 2013, Nga cũng đã dùng một kịch bản tương tự, vũ khí và binh sĩ Nga khi đó đã được sử dụng hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraine.

Mối quan ngại của các nước phương Tây không phải là không có cơ sở. Trong cuộc tập trận Zapad năm 2013, Nga cho biết có 10.000 binh sĩ nhưng các nhà quan sát cho rằng, con số thực tế đã lên tới 70.000 người. Đây là con số vô cùng lớn. Nếu đúng như những gì báo chí phương Tây dự đoán, chỉ cần nhìn vào những gì Nga đang chuẩn bị cũng có thể đánh giá được mục tiêu của cuộc tập trận lần này là để phòng thủ hay tấn công. Tướng Breedlove - người từng dự đoán đúng về khả năng Nga tấn công ở miền Đông Ukraine cho biết, hành động của Nga rất đáng báo động.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Oleg Belokonev cam kết bất cứ quân đội và trang thiết bị nào khi đưa vào Belarus sẽ phải rút đi khi kết thúc tập trận. Tuy nhiên, các thông tin tình báo lại nói, Moscow có thể sẽ để lại lực lượng binh sĩ trên lãnh thổ Belarus, điều này đồng nghĩa với việc binh sĩ Nga sẽ đóng quân ngay tại biên giới với Ba Lan, Lithuania và Latvia - nơi quân đội NATO cũng đang đồn trú tại đây. Cuộc tập trận của Nga sẽ là một phép thử cho sự hiện diện quân sự của NATO ở khu vực Baltic.

Hải Yến

((Theo Reuters, CBSnews))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nga-choi-tro-choi-chien-tranh-nato-nhu-ngoi-tren-lua-n135994.html