Nga cử chuyên gia sang Ấn Độ điều tra vụ nổ tàu ngầm

Tờ Hindu ngày 15.8 cho biết, Nga sẽ cử các chuyên gia của mình tới Ấn Độ để giúp điều tra vụ tai nạn cháy nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak do Nga sản xuất. Ông Ivan Kharchenko - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Công nghiệp-Quân sự Nga - cho biết, Tổng công ty Đóng tàu Thống nhất đã liên hệ với phía Ấn Độ.

Các kỹ sư và thợ lặn trục vớt các phần chìm của tàu ngầm INS Sindhurakshak.

Ông Kharchenko cũng nói với báo giới rằng, hiện có 9 kỹ thuật viên của Nga ở Mumbai theo thỏa thuận bảo hành 1 năm kể từ khi Nga sửa chữa và nâng cấp tàu ngầm này cho Ấn Độ.

Thông tin ban đầu cho biết, khoang chứa vũ khí gồm tên lửa Club-S và ngư lôi trên tàu ngầm INS Sindhurakshak đã phát nổ. Trước đó, tàu ngầm này được vũ trang toàn bộ. Bên cạnh ngư lôi chống tàu, tàu ngầm còn được trang bị tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên bộ ở cách xa 125 dặm và một loạt hệ thống do Ấn Độ chế tạo, bao gồm hệ thống thủy âm USHUS, hệ thống liên lạc thủy âm CCS-MK.

“Đây là tàu ngầm lớp kilo thứ năm được sửa chữa tại Nga và mỗi lần chúng tôi lại lắp đặt thêm các trang thiết bị của Ấn Độ theo yêu cầu của nước này” - Giám đốc Nhà máy Zvezdochka nói.

Các nguồn tin của ngành công nghiệp Nga khẳng định, tàu INS Sindhurakshak trong trạng thái hoạt động hoàn hảo khi cập bến ở Mumbai hồi tháng 4- sau khi được đại tu ở Nga từ tháng 6.2010 đến tháng 1.2012. Con tàu đã trải qua các thử nghiệm hoạt động trên biển và phóng thử các loại vũ khí trên tàu.

Phía Ấn Độ không có bất cứ phàn nàn nào về hoạt động của tàu này - nguồn tin Nga cho tờ Hindu biết, đồng thời bác bỏ các bài viết của truyền thông Ấn Độ nói rằng tàu ngầm bị sự cố khi đi vào vùng bão trên đường từ Nga về Ấn Độ và phải được kéo đến một cảng của Ai Cập để sửa chữa.

“Tàu ngầm đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động thêm 10 năm trước khi phải đại tu lần nữa” - Giám đốc nhà máy đóng tàu Nga nói. Các chuyên gia Nga cho rằng, khí hydro thoát ra trong quá trình nạp ắcquy có thể là nguyên nhân gây nổ nếu ắcquy không được thông hơi thích hợp và mức độ tích tụ hydro trong không khí lên tới 4%.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/nga-cu-chuyen-gia-sang-an-do-dieu-tra-vu-no-tau-ngam/133151.bld