Nga gấp rút trục vớt thiết bị bí mật từ tàu Liman

Việc trục vớt các thiết bị bí mật từ tàu do thám Liman có thể kéo dài đến 2 tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Ngày 4/5 hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ những thông tin về sự nổi lên của các thiết bị bí mật từ tàu do thám Liman thuộc Hạm đội Biển Đen bị chìm cách đây hai tuần.

Một nguồn tin cũng nói với RIA Novosti rằng các thợ lặn của quân đội Nga đã phát động chiến dịch trục vớt các thiết bị bí mật từ tàu Liman.

“Chiến dịch này vẫn đang tiếp tục. Công việc này có thể kéo dài đến hai tuần, tùy thuộc vào thời tiết”, RIA Novosti cho hay.

Việc trục vớt các thiết bị bí mật từ tàu do thám Liman có thể kéo dài đến 2 tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Ảnh: RIA Novosti

Trước đó, hôm 27/4, tàu trinh sát Liman của Nga đã va chạm với tàu chở hàng mang quốc tịch Togo ở vị trí cách eo biển Bosphorus 40 km.

Tàu Liman đã bị thủng phần thân sau khi va chạm. Các thủy thủ trên tàu cố gắng giữ cho tàu không chìm nhưng bất thành.

Ngay lập tức, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã điều chiếc tàu kéo và 3 tàu cứu hộ đến nơi tàu Nga gặp nạn. Theo thông tấn xã TASS, hải cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã cứu được 78 người trên tàu do thám của Nga.

Tàu do thám Liman thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen của Nga. Tàu đóng tại Ba Lan dưới thời Liên Xô cũ, hầu như không trang bị vũ khí nhưng có trạm radar, máy dò khí hydro và các thiết bị trinh sát cần thiết khác để theo dõi tàu nổi cũng như tàu ngầm.

Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ cắt qua TP Istanbul là một trong những tuyến đường thủy quan trọng bậc nhất thế giới. Tàu hàng đi qua eo biển này thường vận chuyển dầu và ngũ cốc. Eo biển dài 27 km, nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải.

Những sự cố đáng tiếc

Đây không phải là lần đầu tiên các tàu của Nga gặp phải sự cố khi di chuyển trên biển.

Còn nhớ, thế giới từng chấn động khi vụ nổ tàu ngầm nguyên tử K-141 Kursk thuộc Đề án 949A Antey, lớp Oscar-II của Nga xảy ra hôm 12/8/2000. Con tàu có lượng giãn nước 16.000 tấn đã bị phá hủy trong một vụ nổ lớn khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 118 người thiệt mạng.

Kết luận cuối cùng về vụ chìm tàu Kursk mà Ủy ban điều tra của Chính phủ Nga công bố là, tai nạn xảy ra do ngư lôi chứa hydro peroxide trên mũi tàu gặp sự cố, phát nổ và làm chìm tàu.

Hồi năm 2012, trong chuyến hải trình từ phía Bắc nước Nga ra Đại Tây Dương để vào Địa Trung Hải đến Syria hồi năm 2012, hàng không mẫu hạm Kuznetsov bị chết máy trên vùng biển ở vịnh Biscay, gần Tây Ban Nha lúc sóng to gió lớn.

Ngay lập tức, tàu kéo Nikolay Chiker tiếp cận và làm nhiệm vụ của mình, tuy nhiên để tiếp cận chiếc tàu sân bay này tại thời điểm đó là rất khó khăn do sóng quá lớn.

Đặc biệt hồi tháng 11/2016, trang tin phân tích thông tin tình báo southfront.org đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Chuyện gì xảy ra với tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov” kèm theo một bức ảnh vệ tinh của DigitalGlobe.

Theo những hình ảnh được công bố, nhiều người cho rằng một tàu kéo đang lai dắt tàu sân bay Kuznetsov ngày 28/10, ở biển Alboran, phía tây eo biển Gibraltar, gần bờ biển phía Bắc của Morocco.

Thậm chí những bức ảnh được công bố còn cho thấy rõ, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga phun khói mù mịt khi đi qua Địa Trung Hải.

Tuấn Hùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-gap-rut-truc-vot-thiet-bi-bi-mat-tu-tau-liman-3334731/