Nga: hệ thống tên lửa kinh hoàng trong công-ten-nơ

(VnMedia) - Hôm 27/5, hãng tin Ria Novosti của Nga cho biết một nhà sản xuất quốc phòng Nga đang tiến hành một chương trình tiếp thị hệ thống tên lửa Club-K có khả năng di chuyển cao được đựng trong những chiếc công-ten-nơ.

Loại tên lửa có tầm bắn lên tới hơn 200 km này lần đầu tiên đã được xuất hiện tại Triển lãm Dịch vụ Quân sự châu Á 2010 được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 19 đến ngày 22/4 vừa qua. Mỗi công-ten-nơ có giá trị gần 15 triệu USD. Khả năng cơ động linh hoạt Hệ thống tên lửa Club-K cho phép phóng tên lửa từ tàu biển, xe tải và toa xe lửa. Trông bề ngoài, loại tên lửa này chẳng khác gì những thùng công-ten-nơ chứa đựng hàng hóa tiêu chuẩn bình thường. Với cách ngụy trang kín đáo này, hệ thống tên lửa Club-K không thể bị đối phương phát hiện cho tới khi nào nó được triển khai và kích hoạt. Mỗi công-ten-nơ được trang bị 4 quả tên lửa hành trình chống tàu hoặc tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Ngoài ra, hệ thống tên lửa này rất dễ được triển khai bởi tính chất linh hoạt của nó. Hệ thống Club-K không cần phải sử dụng các loại phương tiện chuyên chở chuyên dụng mà bất cứ các loại phương tiện vận chuyển nào cũng có thể chuyên trở. Việc triển khai và sẵn sàng chiến đấu cũng được nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng. Với việc cơ động cao và tính ngụy trang tốt, phạm vi hoạt động của loại tên lửa này không hoàn toàn phụ thuộc vào tầm bắn. Nó có thể bí mật được triển khai cách mục tiêu trong phạm vi tầm bắn hiệu quả mà đối phương không hề phát hiện. Tên lửa Club-K được đặt trên các phương tiện vận tải thông thường. Mỗi hệ thống tên lửa Club-K bao gồm 3 thành phần: khoang phóng vạn năng, khoang điều khiển chiến đấu và khoang cấp nguồn. Các loại tên lửa được bố trí bao gồm tên lửa chống hạm 3M-54TE, 3M-54TE1 với đầu đạn có chứa từ 200 đến 400 kg thuốc nổ và tên lửa tiến công các mục tiêu trên mặt đất 3M-14TE với đầu đạn chứa tới 450 kg thuốc nổ. Các loại tên lửa trên được dẫn theo quỹ đạo phức tạp. Nó có khả năng bay vòng tránh các khu vực có hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa mạnh của đối phương hoặc các khu vực địa hình có bề mặt phức tạp bằng cách đưa thêm vào bộ nhớ của tên lửa các tọa độ được gọi là các điểm đổi hướng đường bay. Do đó nếu hệ thống tên lửa này được sử dụng, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại NMD của Mỹ chắc chắn sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, các hoạt động trinh sát mục tiêu, lập và nhập dữ liệu bay đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ của trắc thủ được huấn luyện thành thục cùng với các phương tiện trinh sát, các hệ thống thông tin liên lạc và chỉ huy chiến đấu. Nói cách khác, Club-K không phải là hệ thống tên lửa phòng không vác vai hay súng rocket chống tăng mà bất kỳ cá nhân không qua đào tạo nào cũng có thể sử dụng. Điểm 10 cho ý tưởng Nga phát triển Club-K xuất phát từ nhận thức rằng không phải tất cả các nước trên thế giới đều có khả năng duy trì trong biên chế hạm đội của mình những trang thiết bị quân sự đắt tiến như tàu hộ tống lớn và nhỏ, khu trục, tuần dương hạm và các tàu uy lực mạnh khác được trang bị vũ khí tên lửa hiện đại. Tuy vậy, không ai có quyền tước bỏ của các nước này khả năng bảo vệ chủ quyền của mình. Đồng thời, một kẻ xâm lược tiềm tàng cũng phải hiểu rõ mình có thể phải hứng chịu tổn thất không thể chấp nhận. Các chuyên gia quân sự cho biết nhà sáng chế ra ý tưởng Club-K xứng đáng được nhận điểm 10 tuyệt đối do các tính năng vượt trội của loại tên lửa này so với các hệ thống tên lửa hiện có của các cường quốc quân sự như Mỹ và Nga. Chẳng thế mà sau khi quan sát phần tiếp thị đầy tính thuyết phục tại Malaysia, Lầu Năm Góc đã bắt đầu lo ngại về sự xuất hiện của loại tên lửa này. Trước hết, hệ thống tên lửa Club-K sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự thế giới. Mỹ cho rằng, nếu các công nghệ này được trang bị cho Venezuela, Iran hoặc Triều Tiên điều đó có thể làm mất ổn định tình hình thế giới, nhất là loại tên lửa này được cải tiến mang theo vũ khí hạt nhân. Sau nữa, nếu loại tên lửa này xuất hiện trên thị trường nó sẽ là cục nam châm thu hút sự chú ý của các nước quen sử dụng các loại vũ khí tiến công của Mỹ. Do vậy, chắc chắn lợi nhuận của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng sẽ bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, Nga trấn an rằng Club-K trước hết dành cho các nước nhỏ có bờ biển dài, không có điều kiện mua các tàu chiến lớn như ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, Nga có hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới, cho phép loại trừ khả năng chuyển giao trái phép vũ khí vào tay các tổ chức khủng bố. Vì thế, Club-K không những không giúp sức cho khủng bố mà trái lại dùng để đấu tranh hiệu quả chống khủng bố nhà nước. Các chuyên gia về quốc phòng của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga cho biết hệ thống tên lửa Club-K còn đang ở giai đoạn phát triển. Do vậy, cho tới khi Nga sản xuất và xuất khẩu loại tên lửa này chắc cũng còn phải mất nhiều thời gian. An Khánh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=11&newsid=193180