Nga “khai sáng” EEU - Trung tâm kinh tế mới của thế giới

Việc EAES được ký kết là một sự kiện lịch sử có khả năng làm thay đổi cấu trúc địa-chính trị và địa-kinh tế của toàn bộ châu lục.

Tổng thống Putin cho biết, đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định liên minh kinh tế Á - Âu là hành động quan trọng trong việc Nga thực hiện nhất thể hóa giữa các đối tác thân cận và liên minh, thúc đẩy phát huy vai trò tích cực của Liên minh kinh tế có tổng dân số 170 triệu người, diện tích 20 triệu km2.

Cùng ngày Bộ ngoại giao Nga cũng tuyên bố, liên minh kinh tế Á - Âu bước sang một giai đoạn mới của sự đồng nhất giữa Nga, Belarus và Kazakhstan, thúc đẩy phát triển kinh tế ba nước, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa và nâng cao tính cạnh tranh của ba nước trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Liên minh kinh tế Á - Âu mở ra cánh cửa mới cho mỗi nước.

Trước đó, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua Hiệp định Liên minh kinh tế Á - Âu và Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cũng đã nhất trí phê chuẩn Hiệp định về liên minh kinh tế Á-ÂU (EAES - Agreement on Eurasian Economic Union) lần lượt vào 26-9 và 1-10.

Được biết, tổng thống ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan đã ký “Hiệp định Liên minh Kinh tế Á-Âu” vào ngày 29 tháng 5 năm nay. Theo hiệp ước này, Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức khởi động vào ngày 01 tháng 1 năm tới và trước năm 2025 sẽ thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Á - Âu (cơ quan điều hành Liên minh Hải quan và Không gian Kinh tế Chung) cho hay, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đạt 64 tỷ USD năm 2013, giảm so với mức 67 tỷ USD năm 2012.

Với những nội dung cơ bản như đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực cũng như phối hợp chính sách đối với những ngành kinh tế lớn thì thỏa thuận này dự kiến sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại được thiết lập từ khi Nga, Belarus và Kazakhstan có bước đi đầu tiên là thành lập một Liên minh Hải quan vào năm 2010.

3 vị nguyên thủ Nga, Belarus và Kazakhstan trong buổi lễ ký kết Hiệp định.

Với các lợi thế sẵn có như sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, trong đó chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ của thế giới cùng với vị thế nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay của Nga thì Hiệp ước về xây dựng Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU - Eurasian Economic Union) đã góp phần đưa Nga, Kazakhstan và Belarus lên một tầm cao hội nhập hoàn toàn mới.

Tổng giá trị của ba nền kinh tế Nga, Belarus và Kazakhstan trong năm 2013 đã vượt con số 2.200 tỷ USD trong khi tổng sản lượng công nghiệp lên tới 1.500 tỷ USD. Dự đoán, tổng GDP của Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng 900 tỷ USD, nhờ các tác động tích cực từ việc hội nhập kinh tế thông qua EEU.

Với vị thế nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay, Nga sẽ giữ vai trò "hạt nhân" của EEU. Năm 2013, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ của Nga chỉ ở các mức tương đương 1,3% GDP và 13% GDP, thấp hơn nhiều so với các mức 3,3% GDP và 87% của EU. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tài khoản vãng lai của Nga dự kiến thặng dư ở mức tương đương 2,1% GDP năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga hiện ở mức 5,4%.

Trong khi đó, Kazakhstan là một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên với GDP bình quân đầu người đạt gần 13.000 USD năm 2013.

Với nhu cầu trong nước mạnh mẽ, sản lượng dầu mỏ tăng và sản lượng nông nghiệp hồi phục, kinh tế của Kazakhstan tăng trưởng 6% năm 2013, so với mức 5% năm 2012. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo của Kazakhstan đã giảm từ 41% năm 2001 xuống còn 4% năm 2009 (tính theo chuẩn nghèo của quốc tế).

Thành viên còn lại của Liên minh kinh tế Á - Âu là Belarus cũng có những thành tựu kinh tế rất đáng chú ý. Thâm hụt thương mại của Belarus đã cải thiện từ mức 13,5% GDP năm 2010 xuống còn 3% GDP năm 2011, và chuyển sang trạng thái thặng dư 4,6% GDP năm 2012.

Dự kiến EEU sẽ trở thành một trung tâm kinh tế mới của 2 châu lục Á-Âu.

Còn tài khoản vãng lai của Belarus cũng giảm từ mức thâm hụt 9,4% GDP năm 2011 xuống còn không đầy 3% GDP năm 2012. Kinh tế Belarus dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2014 với động lực chủ chốt là thương mại bán lẻ dự kiến tăng tới 18,2%.

Giới phân tích cho rằng, đây là một sự kiện lịch sử không chỉ đánh dấu sự kết nối chặt chẽ hơn về kinh tế giữa Nga với các nước đối tác thuộc Liên Xô (trước đây), mà còn có khả năng làm thay đổi cấu trúc địa chính trị và địa kinh tế của toàn bộ châu lục.

Trụ sở chính, tòa án và các cơ quan quản lý tài chính của Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ được đặt tại Moscow, Minsk và Almaty. Như vậy, quá trình hình thành thị trường chung lớn nhất, vốn phải trở thành trung tâm phát triển kinh tế hùng mạnh trong không gian các quốc gia SNG với dân số 170 triệu người, đang sắp hoàn tất.

Cuộc chạy đua của Thế giới hướng về châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra rất sôi động và tiềm năng phương đông cũng đang hấp dẫn Nga. Điều này là hoàn toàn tự nhiên, bởi Nga là quốc gia Á-Âu độc đáo, có phần lớn lãnh thổ nằm ở châu Á.

Mặt khác, hiện tại mối quan hệ kinh tế giữa phương Tây và Nga đang chịu tác động của các tham vọng chính trị thì liên minh này càng củng cố chiến lược chuyển hướng của Nga sang thị trường đầy tiềm năng và triển vọng châu Á - Thái Bình Dương để phát huy những thế mạnh của mình.

Với đặc điểm địa lý kết cấu nước Nga vào một số thị trường lớn của khu vực Thái Bình Dương đầy hứa hẹn đang mở ra những triển vọng lớn và sự chuyển dịch xuất nhập khẩu của Nga tới đó cũng là tiến trình tự nhiên hợp quy luật. Đây chính là bước đi mở đường cho các nước trong liên minh Á - Âu cùng tiến bước vào thị trường đầy tiềm năng này.

Thu Huệ

đất việt

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2014/10/nga-khai-sang-eeu-trung-tam-kinh-te-moi-cua-the-gioi-775-368799.htm