Nga khiến phương Tây cuống cuồng ở Libya

Phương Tây lo ngại với thành công ở Libya, Nga sẽ thiết lập một khuôn mẫu để tạo ảnh hưởng lên các quốc gia Trung Đông khác.

Nỗ lực muộn màng

Nhật báo Le Figaro cho biết dưới sự sắp xếp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj và Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đã nhất trí về một cuộc bầu cử vào đầu năm 2018.

Đây được coi là một viễn cảnh tốt đẹp giúp Libya thoát khỏi hỗn loạn và là một thành công ngoại giao đối với ông Macron và Bộ Ngoại giao Pháp bởi đã tổ chức được cuộc đối thoại đầu tiên giữa những "kẻ thù anh em" ở Libya. Thủ tướng al-Sarraj và Tướng Haftar sau khi gặp nhau ngày 25/7 tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud ở ngoại ô Paris đã ra một tuyên bố chung trong đó nhất trí tiến hành cuộc bầu cử nêu trên.

Tuy vậy, vẫn chưa có gì là chắc chắn. Việc thực hiện thỏa thuận còn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia "chi phối" tình hình Libya, các lực lượng dân quân, các bộ tộc và các lực lượng chính trị và tôn giáo khác nhau đang chia cắt Libya.

Lắp đặt tên lửa Mica cho máy bay Rafale trên tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp chuẩn bị không kích Libya hồi tháng 3/2011.

Ông al-Sarraj là nhân vật giữ vị trí quyền lực chính trị cao nhất của Libya được cộng đồng quốc tế công nhận theo thỏa thuận Skhirat năm 2015 đạt được dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ).

Tuy nhiên, ngoài lực lượng bảo vệ ít ỏi, ông không thể thiết lập chính phủ của mình như ý muốn và cũng không tạo lập được Nghị viện Libya theo ý mình và cũng không có lực lượng vũ trang thực sự dưới quyền chỉ huy của ông. Vì thế, vị thế của ông al-Sarraj phụ thuộc vào thiện chí của lực lượng dân quân hiện đang nắm quyền cai trị ở Tripoli. Điều đó có nghĩa là ông al-Sarraj chỉ có một chút quyền lực mang tính biểu tượng đối với các vấn đề nội bộ của Libya.

Tướng Haftar thì ngược lại. Sau 3 năm chinh chiến, LNA của ông đã giành lại được Benghazi, thủ phủ của vùng Cyrenaica. Ngoài ra, quân đội của ông còn nắm quyền tại một số vùng phía Nam Libya và các vùng bao quanh Sirte, lưu vực chứa dầu lớn nhất ở Libya. Hiện chỉ còn khu vực thủ đô Tripoli là nằm ngoài sự kiểm soát của ông.

Về mặt chính trị, Tướng Haftar được Quốc hội ở Tobruk vốn được bầu một cách dân chủ và được cộng đồng quốc tế công nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, cho đến khi Tướng Haftar tới Paris, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn giữ khoảng cách với ông bởi họ đã cam kết ủng hộ ông al-Sarraj.

Libya tiếp tục chìm trong hỗn loạn và xung đột sau cuộc chính biến do phương Tây đạo diễn và trợ sức năm 2011.

Bằng việc đón Tướng Haftar ở La Celle-Saint-Cloud và thương thảo thành công với ông al-Sarraj, Tổng thống Pháp Macron đã đưa Tướng Haftar trở lại trong khuôn khổ cùng các nhân vật chính trị Libya mà cộng đồng quốc tế hậu thuẫn.

Đây là một thành công ngoại giao của tân Tổng thống Pháp nhờ những mối quan hệ tốt cả về ngoại giao lẫn quân sự mà Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã duy trì với Tướng Haftar trong suốt nhiệm kỳ 5 năm trước dưới thời Tổng thống Fraccois Hollande.

Pháp đã “coi trọng” Tướng Haftar hơn sau khi lực lượng của ông từ tháng 9/2016 đã kiểm soát các mỏ dầu Brega, Ras Lanouf, Al Sidra và Zoueitina. Điều này mang lại cho Tướng Haftar một chỗ đứng trong các cuộc đàm phán với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nga, Ai Cập, Italy và các lực lượng đối lập khác.

Với trữ lượng 48 tỷ thùng, Libya có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi và đứng thứ 8 trên thế giới. Theo các chuyên gia, 85% trữ lượng dầu nằm ở Syrte - nơi có cảng dầu Ras Lanouf, Brega, Al-Sidra và Zoueitina. Libya cũng là một nước giàu khí đốt với các mỏ có trữ lượng ước tính 1.600 tỷ m3 khí.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-khien-phuong-tay-cuong-cuong-o-libya-3340125/