Nga không ngạc nhiên về lệnh trừng phạt mới của châu Âu

Châu Âu lại tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt, Moscow không ngạc nhiên nhưng cảnh báo sớm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 15/9 tuyên bố, "không lấy gì làm ngạc nhiên" về quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của các đối tác phương Tây.

Thông tấn TASS của Nga dẫn lời bà Zakharova cho hay: "Chúng tôi đã được thông báo rằng ngày 14/9, Hội đồng châu Âu đã quyết định một lần nữa mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và đông nam Ukraine cho tới tháng 3/2018".

EU lại gia hạn trừng phạt kinh tế Nga.

"Nga không có lấy gì làm ngạc nhiên hay bất ngờ khi xem xét cách tiếp cận sai lệch của EU đối với vấn đề Ukraine và các hành động của Kiev trong việc phá hoại các Hiệp định Minsk" - nữ phát ngôn viên nhấn mạnh.

Bà Zakharova nhắc nhở thêm, danh sách đen của Nga về các biện pháp đáp trả trừng phạt từ châu Âu vẫn còn nguyên hiệu lực.

Hội đồng EU đã tuyên bố các biện pháp hạn chế hiện áp dụng cho 149 người dân và 38 tổ chức bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm vận du lịch kéo dài tới ngày 15/3/2018.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga dường như đang ngầm nhắc tới việc EU chỉ đặt thời hạn 6 tháng cho các lệnh trừng phạt. Việc để thời hạn ngắn như vậy và thông báo rộng rãi về việc gia hạn trừng phạt như một như một lời đe dọa mang tính chất tăng cường để nhắc nhở Nga.

Tuy nhiên, Moscow đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc đáp trả bằng cách đưa ra thời hạn trừng phạt ngược đối với EU dài hơn và kiên quyết không thay đổi quan điểm cho tới khi nhận được các động thái thiện chí hơn từ Brussels.

Việc này rõ ràng đã khiến Nga ở vị thế cao hơn khi âm thầm trừng phạt và người gánh chịu cũng chỉ âm thầm nhận lại thiệt hại.

Báo cáo đánh giá của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà châu Âu nhằm vào Nga đã cho thấy một thực tế rằng, EU đang gánh chịu mức thiệt hại gấp đôi Nga sau khi áp đặt trừng phạt.

Nền kinh tế EU đã chịu thiệt hại 100 tỉ USD thay vì đối với Nga, mức thiệt hại ở khoảng 55 tỉ USD từ năm 2014 tới nay.

Cứ 6 tháng một lần, EU tuyên bố để truyền thông thế giới ghi nhận các thành quả của kinh tế Nga biết rằng, châu Âu vẫn đang và sẽ tăng trừng phạt Nga thêm nữa.

Không hợp tác với Nga, châu Âu sẽ nhận thêm trái đắng

Một điều đáng chú ý được nhắc tới trong báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và châu Âu cho thấy, trong khi cả hai phải chịu thiệt hại từ cấm vận nhau, cả hai còn phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới từ phía Mỹ.

Mỹ trừng phạt kinh tế Nga, châu Âu sẽ nếm thêm trái đắng.

Dự án dầu khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đang nhận được sự chú ý đặc biệt của Mỹ. Đầu tháng 8, Quốc hội Mỹ đã nhất trí tán thành đạo luật trừng phạt mới dành cho Nga nhằm vào các cá nhân và công ty đầu tư vào hệ thống đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga.

Dự án này gồm công ty dầu khí Nga tham gia nhưng đi cùng đó là hàng loạt các nhà đầu tư châu Âu về tài chính, bảo hiểm, xây dựng...

Nếu lệnh trừng phạt nhằm vào dự án dầu khí này, châu Âu khó tránh tổn thất nặng nề hơn Nga.

Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich hồi đầu tháng 9 nhận định, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho châu Âu hơn là Moscow.

“Tôi cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đem đến nhiều bất lợi cho châu Âu hơn là Nga" - ông Dvorkovich nói. “Chúng tôi không hài lòng với nó, nhưng chúng tôi phải phản ứng và châu Âu đang phải chịu đựng hậu quả từ điều này.”

Phó Thủ tướng Nga cũng nhấn mạnh về quan điểm tích cực của Nga đối với châu Âu và thể hiện sự sẵn sàng trở lại mối quan hệ tốt đẹp.

“Chúng tôi thực sự muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với châu Âu” - ông Dvorkovich chia sẻ.

Rõ ràng là các lệnh trừng phạt không có bất cứ đóng góp tích cực nào cho tăng trưởng toàn cầu.

Thay vào đó, nếu như chưa thể dỡ bỏ chúng, Nga đã chìa một cánh tay về phía EU để khơi dậy sự phản kháng lại sự can thiệp ngày càng mạnh tay hơn của Mỹ ở châu Âu.

Thực tế, châu Âu đã cho thấy sự phản kháng này nhưng để bắt tay với Nga có lẽ cần thêm thời gian nữa.

Sau khi Tổng thống Trump ký thông qua các biện pháp trừng phạt mới cho Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã mạnh mẽ nói, châu Âu sẵn sàng có các biện pháp “phản đòn” nếu lệnh trừng phạt khiến các công ty châu Âu tổn thương.

“Chúng tôi đã sẵn sàng! Chúng tôi phải bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước Mỹ, và chúng tôi sẽ làm điều đó" - Chủ tịch Juncker nói.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-khong-ngac-nhien-ve-lenh-trung-phat-moi-cua-chau-au-3343208/