Nga - Mỹ hoàn tất đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân

Trong 2 tuần tới, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân lịch sử sau thời gian dài đàm phán đầy khó khăn.

Theo đó, hai bên sẽ cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của họ. Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ hoàn tất đàm phán hiệp ước bằng các cuộc điện đàm trong tuần này. Các quan chức Nga và Mỹ cho biết hôm 24.3, hiệp định sẽ được ký kết tại Prague (Cộng hòa Czech) - nơi mà cách đây một năm, Tổng thống Obama đã phát biểu về tầm nhìn của ông về một thế giới phi hạt nhân. Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ cắt giảm khoảng 1.500 vũ khí hạt nhân tầm xa và còn nhiều hơn thế trong những năm sắp tới. Nó cũng sẽ giảm số bệ phóng chiến lược - tức là số tên lửa và bom mang đầu đạn hạt nhân - xuống một mức cho phép. Hiệp ước mới sẽ thay thế cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) ký năm 1991 và hết hạn tháng 12.2009. Một điểm quan trọng của hiệp ước mới là nó đưa ra cơ chế pháp luật để kiểm chứng việc thi hành cắt giảm vũ khí của mỗi bên. Đây là yếu tố không có trong các thỏa thuận trước đây của hai bên. Hiệp ước này được coi là dấu mốc tăng cường lòng tin và hợp tác giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới, nhất là trong bối cảnh quan hệ song phương không mấy xuôi chiều trong những năm vừa qua. Các quan chức Czech đã tuyên bố Prague sẽ là nơi tổ chức lễ ký kết. Phía Nga và Mỹ cho biết, lễ ký diễn ra vào khoảng ngày 8.4. Theo nguồn tin từ phía quan chức Mỹ, họ không thấy có cản trở gì trong việc hoàn tất toàn bộ các chi tiết kỹ thuật còn lại của hiệp ước trong vài ngày nữa. Một nguồn tin nói rằng, hiệp ước cuối cùng sẽ được công bố ngày 26.3. Nhà Trắng sau đó sẽ mở chiến dịch để thượng viện phê chuẩn hiệp ước. Hạ viện Nga - tức Duma Quốc gia - cũng sẽ phải thông qua hiệp ước này. Quá trình phê chuẩn của cả hai bên dự kiến sẽ mất nhiều tháng. Robert S.Norris - một nhà phân tích vấn đề hạt nhân Nga và Mỹ - cho rằng, việc thông qua ở Thượng viện Mỹ sẽ không dễ dàng. Hôm 24.3, ông Obama đã có một tiếng đồng hồ thảo luận về hiệp ước với Thượng Nghị sĩ dân chủ John Kerry - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thượng viện và Thượng Nghị sĩ cộng hòa Richard Lugar - thành viên cao cấp của ủy ban này. Ông Kerry nói: “Một hiệp ước được thiết kế tốt sẽ gửi thông điệp quan trọng đến toàn thế giới, rằng nước Mỹ đã được chuẩn bị để đi đầu trong nỗ lực giảm nguy cơ vũ khí hạt nhân”. Sau khi thực hiện hiệp ước này, 2 nước vẫn còn số vũ khí hạt nhân đáng kể. Các chuyên gia ước tính, Mỹ vẫn sẽ còn khoảng 2.150 vũ khí hạt nhân chiến lược đang được triển khai, Nga có khoảng 2.600. Mỹ còn có 2.600 đầu đạn khác dự trữ, cùng với 500 vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Ngoài ra, Mỹ còn 4.200 đầu đạn chiến lược đã hết hạn sử dụng đang chờ tiêu hủy.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/nga--my-hoan-tat-dam-phan-cat-giam-vu-khi-hat-nhan/20103/178695.laodong