Nga/Mỹ thống trị Top-6 máy bay ném bom chiến lược thế giới

Hiện nay, tất cả những máy bay ném bom chiến lược tốt nhất thế giới đều là trang bị của không quân Nga hoặc Hoa Kỳ.

Không quân chiến lược là một trong ba yếu tố cấu thành “Bộ ba răn đe hạt nhân” cơ bản, cùng với tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa, gắn đầu đạn hạt nhân.

Những điểm lợi thế ưu việt chính của không quân là khả năng sử dụng nhiều lần, khác biệt với tên lửa và có mức độ kiểm soát cao, bởi máy bay ném bom luôn luôn có thể thu hồi lệnh tấn công hoặc thay đổi đường bay đến mục tiêu cũng như đổi sang mục tiêu khác.

Tu-160 "Belaya Lebed" (tên gọi NATO là Blackjact) là ném bom chiến lược hạng nặng, siêu âm do công ty Tupolev của Liên Xô thiết kế chế tạo. Loại máy bay ném bom siêu âm này là máy bay ném bom hiện đại nhất của Nga, đồng thời cũng là phi cơ quân sự nặng nhất trên thế giới.

Tu-160 là dự án nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược cuối cùng của Liên Xô trước khi tan rã, đồng thời là máy bay ném bom hạng nặng lớn nhất thế giới. Tổng cộng có 40 chiếc đã được sản xuất, 16 chiếc đang phục vụ trong không quân Nga.

Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit của Mỹ có thể được coi là mẫu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Ngoài thiết kế tàng hình ra, chiếc máy bay được phủ bằng vật liệu hấp thụ radar, cho phép giảm đáng kể mức độ hiển thị trước radar của đối phương.

B2 là sản phẩm của thời kỳ Chiến tranh lạnh, do Công ty Northrop Gunmman nghiên cứu chế tạo dành riêng cho Không quân Mỹ. Cho đến nay chỉ có 21 chiếc B-2 được sản xuất. Mỗi chiếc máy bay ném bom loại này có giá thành sản xuất tới 2,4 tỷ USD, biến nó thành chiếc máy bay quân sự đắt nhất thế giới.

B-52 Stratofortress là máy bay ném bom chiến lược được sử dụng lâu nhất trong không quân Mỹ. Bất kể thâm niên 60 năm phục vụ, đây là máy bay duy nhất mang tên lửa hành trình chiến lược trong lực lượng Hoa Kỳ, có thể thực hiện các vụ ném bom tầm xa hoặc ném bom hạt nhân.

B52 dừng sản xuất từ tháng 10/1962, trong 10 năm sản xuất với 8 phiên bản lần lượt ký hiệu từ A-H, Hãng Boeing Mỹ đã chế tạo tổng cộng 744 chiếc. Hiện nay B52-H cùng với B1-B và máy bay tàng hình B2 vẫn hoạt động trong đội hình máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ.

Tu-95MSM tưởng có vẻ là cỗ máy già cũ thế nhưng tính năng bay, phạm vi hành trình và khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình siêu xa của nó vẫn là những điểm mạnh cơ bản để loại phi cơ này hoàn thành tốt các chiến dịch tầm xa và liên lục địa.

Tu-95 là dòng máy bay ném bom tầm xa do công ty nghiên cứu chế tạo máy bay Tupolev của Liên Xô thiết kế, ra đời giữa những năm 1950. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ ném bom, Tu-95 còn được dùng vào việc trinh sát hình ảnh, giám sát điện tử, chống tàu ngầm và làm trạm tiếp sóng liên lạc trên biển.

Máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ là máy bay ném bom chiến lược siêu âm cánh cụp cánh xòe do công ty Rockwell Mỹ nghiên cứu chế tạo từ những năm 70. Tuy nó có tốc độ hành trình thấp nhưng có khả năng bay ở địa hình uốn lượn siêu thấp.

Không quân Mỹ nhận định B1-B là máy bay ném bom chiến lược ưu việt về nhiều mặt như tốc độ, hành trình bay, và tải trọng bay cũng như khả năng ném bom tầm thấp chớp nhoáng. Đồng thời, nó còn có có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công tầm ngắn.

Tupolev Tu-22M3 là một máy bay ném bom siêu âm tầm xa cánh cụp cánh xòe, chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tấn công trên biển, được phát triển bởi Liên Xô từ thiết kế chiến đấu cơ Tu-22 trước đó, được đưa vào trang bị năm 1972. Máy bay này được phân loại là máy bay ném bom tầm trung.

Máy bay ném bom tầm trung siêu âm Tu22M3 (NATO định danh Backfire C) có phạm vi bay thực tế đến 5.000 km, nhưng chưa thích hợp cho tầm bay xa liên lục địa. Tuy nhiên, nó lại có ưu điểm rất mạnh ở khả năng chống hạm và có thể tấn công mặt đất.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ngamy-thong-tri-top-6-may-bay-nem-bom-chien-luoc-the-gioi-3324963/