Nga nghi ngại về tiến trình ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới

– Ngày 25/3, hãng thông tấn Ria Novosti trích lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Mikhail Margelov, trong đó ông nhấn mạnh đến khả năng bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ không được Quốc hội Mỹ thông qua “ngay lập tức” ngay cả khi tài liệu này đã có được chữ ký đầy đủ của cả phía Nga và Mỹ.

Hiện Nga và Mỹ vẫn chưa đưa ra thời điểm cụ thể để ký kết bản START mới (Ảnh: Ria Novosti) Kể từ sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại London (Anh) hồi tháng 4 năm ngoái, hai bên đã tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán về START mới. Mặc dù hai bên đã nhất trí được phần lớn các điều khoản trong Hiệp ước, song hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề điển hình như những bất đồng xung quanh kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu đang cản trở các vòng đàm phán. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực theo đuổi, gần đây, cả Moscow và Washington đều đề cập tới khả năng bản Hiệp ước mới đã “gần như sẵn sàng để ký kết”. Theo giới phân tích Mỹ thì rất có khả năng bản Hiệp ước mới sẽ được ký kết vào ngày 5/4 tới tại Prague (CH Séc). Trong khi đó, các chuyên gia Nga lại cho rằng lễ ký kết bản Hiệp ước được trông đợi này sẽ diễn ra vào 3 ngày sau đó, tức là vào ngày 8/4. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ hiện đều đưa ra một quan điểm chung rằng thời điểm diễn ra buổi ký kết bản Hiệp ước mới sẽ sớm được công bố cụ thể. Về phần mình, phía Nga vẫn khẳng định quan điểm cho rằng bản tài liệu này nên được Quốc hội hai nước thông qua vào cùng một thời điểm. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên hãng thông tấn Ria Novosti, ông Margelov lại bày tỏ quan ngại về khả năng bản Hiệp ước mới sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Quốc hội Mỹ. Theo sự lý giải của vị quan chức này thì triển vọng của Đảng Dân chủ Mỹ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay vẫn còn khá mờ mịt, trong khi đó, như thường lệ, Đảng Cộng hòa vẫn theo đuổi quan điểm phản đối mạnh mẽ đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, ông Margelov cũng cho biết, hiện tại Nga vẫn còn tồn tại ý kiến bất đồng xung quanh bản START mới. Thậm chí còn có một số chuyên gia còn đề cập đến khái niệm “giải trừ quân bị đơn phương”. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng liên bang Nga cũng nhấn mạnh rằng, một khi Tổng thống Dmitry Medvedev đã đặt bút ký vào bản Hiệp ước mới thì tính hiệu lực của tài liệu này sẽ không còn là một vấn đề gây tranh cãi giữa Hạ viện (Duma) và Thượng viện (Hội đồng Liên bang). Vị quan chức này cho biết, nhóm làm việc liên Chính phủ Nga-Mỹ dẫn đầu bởi ông và Thượng nghị sỹ Mỹ Ben Nelson sẽ tổ chức một phiên họp nhằm thảo luận về tiến trình thông qua START mới ngay sau khi tài liệu này được Tổng thống hai nước thông qua. Trong bối cảnh Đảng Cộng hòa vẫn còn theo đuổi kế hoạch tiếp tục mở rộng hệ thống lá chắn tên lửa và phát triển các thiết bị đầu đạn hạt nhân mới cũng như việc Lầu năm góc đưa ra quan điểm phản đối học thuyết hạt nhân của ông Obama, ông Margelov cho rằng “các cuộc đối thoại cấp liên Chính phủ sẽ diễn ra không mấy dễ dàng”. Tuy nhiên, ông Margelov vẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của START mới đối với nỗ lực nhằm cải thiện các mối quan hệ quốc tế cũng như nỗ lực sâu hơn nhằm “cài đặt lại” các mối quan hệ Nga-Mỹ. Theo ông Margelov thì cụm từ “cài đặt lại các mối quan hệ song phương” vốn đã được hai bên đề cập đến từ hồi tháng 4 năm ngoái mới chỉ phát huy một phần tác dụng trong riêng lĩnh vực ngoại giao. “Kim ngạch thương mại Nga-Mỹ trong năm 2009 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 16 tỷ USD so với mức 36 tỷ USD trước đó. Hiện nhiều công ty Nga vẫn còn đang phải đối mặt với những lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Thêm vào đó, luật sửa đổi bổ sung Jackson-Vanik vốn được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua từ năm 1974 (quy định hạn chế thương mại với Liên bang Xô-Viết) đến nay vẫn còn hiệu lực”, ông Margelov nói./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=395718&co_id=30127