Nga-Nhật: Ông Abe đề xuất 'hướng tiếp cận mới' về tranh chấp lãnh thổ?

Trong chuyến thăm tới Sochi (Nga) vào đầu tháng 5, Thủ tướng Nhật đề xuất "cách tiếp cận mới" để giải quyết tranh chấp với Nga.

Các quan chức Nga và Nhật Bản hiện chưa tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Kuril, mà phía Nga gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Đây chính là trở ngại chính khiến hai bên không đạt được một hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Sochi ngày 6/5 vừa qua để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài các lĩnh vực thương mại, hợp tác kinh tế và đầu tư, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận việc ký kết một hiệp ước hòa bình thực sự, hiệp ước mà 2 bên sẽ không thể đạt được nếu không giải quyết xong vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Nam Kuril. Sau cuộc hội đàm, ông Abe cho biết ông đã đề xuất một "cách tiếp cận mới" để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Tổng thống Nga Putin tiếp đón Thủ tướng Nhật Abe tại Sochi (Ảnh: RBTH).

Giọng điệu thân thiện

Chuyến thăm lần trước của Thủ tướng Abe tới thành phố Sochi là vào năm 2014, dự Lễ Khai mạc Thế vận hội Mùa Đông. "Sự ấm áp của thành phố tuyệt vời này nhắc tôi nhớ về cuộc gặp lần trước của tôi với Vladimir (Putin-ND) vào năm 2014", ông Abe nói, thể hiện một tình cảm thân thiện rõ rệt với chủ nhà. "Với những ký ức về cảnh đẹp Sochi, tôi đã mong được gặp lại Vladimir. Tôi rất vui mừng được gặp lại các bạn".

Ông Putin chào đón khách của mình với nghi lễ đón chính thức. "Thưa Ngài Thủ tướng, chúng tôi coi chuyến thăm của Ngài như một cơ hội để thảo luận với nhau về các vấn đề cùng quan tâm", ông Putin nói. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga nhắc nhẹ tới những căng thẳng hiện nay giữa hai nước. "Nhìn lại quan hệ phát triển của chúng ta trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và kinh tế, có những vấn đề cần được ưu tiên quan tâm", ông Putin nói.

Các vấn đề trong chương trình nghị cuộc đàm phán giữa 2 nhà lãnh đạo đều được thông báo trước. Nội dung bao gồm triển vọng ký kết một hiệp ước hòa bình (mà Abe đã đề cập trong phát biểu khai mạc của ông), các vấn đề liên quan của quần đảo Nam Kuril cũng như hợp tác song phương và các giải pháp cho xung đột tại Syria, Ukraine và bán đảo Triều Tiên.

Cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo đã được bàn cụ thể trong cuộc gặp gỡ trước đó của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đối tác Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo vào giữa tháng Tư vừa qua. Chính Ngoại trưởng Nga Lavrov là người tóm lược lại kết quả các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe.

Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ thương mại và kinh tế cũng như chuyến thăm sau đó của Tổng thống Vladimir Putin đến Nhật Bản "trong đó có cả ngày đi cụ thể" (sẽ được công bố sau).

Tổng thống Nga Putin mời Thủ tướng Nhật Abe tham dự Diễn đàn Kinh tế miền Đông, sẽ được tổ chức tại Vladivostok vào đầu tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, phía Nga đã đề xuất làm hồi sinh mô hình “2+2”, khởi nguồn từ năm 2013 và tổ chức các hội đàm chung giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước. "Chúng tôi hy vọng rằng các đồng nghiệp Nhật Bản đã lắng nghe chúng tôi", ông Lavrov nói thêm rằng mô hình này là "hữu ích đối với các mối đe dọa an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á".

Quần đảo Nam Kurril (Ảnh Flickr/ Eugene Kaspersky)

Quần đảo tranh chấp Nam Kuril

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông đã đề xuất một "cách tiếp cận mới" để giải quyết các vấn đề quần đảo tranh chấp. Tuy nhiên, cả phía Nhật lẫn phía Nga đều không tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về “cách tiếp cận” này.

"Đã có gợi ý trong các phương tiện truyền thông Nhật Bản về những ý tưởng mà Thủ tướng Shinzo Abe có thể đã đem tới Sochi. Báo chí cho rằng đề xuất này có thể đạt đến một mức độ nhất định, dựa trên những ý tưởng từng đươc đưa ra vào năm 1998, do Thủ tướng đương nhiệm thời kỳ đó Ryutaro Hashimoto đưa ra trong cuộc họp với ông Boris Yeltsin", ông Alexander Panov, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản cho biết.

"Có thể không loại trừ rằng phía Nhật Bản có thể đã đề xuất một phương án, theo đó các đảo Habomai và Shikotan được bàn giao cho Nhật Bản sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, còn các đảo khác (Iturup và Kunashir) sẽ duy trì trong một thời gian nhất định, ví dụ như 30-50 năm, vẫn dưới sự quản lý hành chính của Nga ".

Ông Panov cho biết thêm rằng một đề nghị như vậy sẽ được coi là một sự thỏa hiệp của Nhật Bản.

Cơ hội tiếp theo cho hai bên để thảo luận về vấn đề quần đảo Kuril và ký một hiệp ước hòa bình sẽ có vào tháng Sáu năm nay tại một hội nghị cấp thứ trưởng ngoại giao Nga- Nhật.

Ông Alexander Gabuev, người đứng đầu Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, cho rằng đề xuất táo bạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể phải đương đầu với nhiều vấn đề phải giải quyết trong tình hình chính trị trong nước ở Nhật Bản. Trước cuộc bầu cử quốc hội sớm được được dự kiến tổ chức vào tháng Bảy, "đã có nhiều kỳ vọng đối với chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đến Sochi", ông nói thêm.

Thủ tướng Abe phải thể hiện rằng chuyến thăm này không “vô nghĩa”, và rằng ông đã sẵn sàng để tìm cách tiếp cận mới nhằm giải quyết một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tokyo, Gabuev nói./.

Bích Đào/VOV.VN Theo RBTH

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nganhat-ong-abe-de-xuat-huong-tiep-can-moi-ve-tranh-chap-lanh-tho-509754.vov