Nga phóng 'sát thủ' Kalibr tấn công phiến quân Syria, Mỹ-NATO lo sợ hay cười ruồi

Nga đã tăng cường tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến chiến trường Syria vào tháng 9/2016. Chưa hết, hải quân Nga đã phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tấn công phiến quân khủng bố ở Syria từ chiến hạm cỡ nhỏ Buyan-M ở Biển Caspi, và từ tàu ngầm chạy bằng diesel-điện lớp Kilo ở Địa Trung Hải. Sự kiện này đã gây ấn tượng mạnh với cả thế giới, Warontherock nhận xét.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria

Đối với những quốc gia có vị trí địa lý cách biệt và bao quanh bởi biển như Anh, Nhật Bản và Hà Lan, chiến lược của những nước này là phát triển nền hải quân thật mạnh để hỗ trợ cho lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị. Ngược lại, những nước như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và đế chế La Mã trước đây lại phải sử dụng lực lượng bộ binh đáng gờm để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ.

Tuy nhiên theo Warontherock, Nga lại là một nước hoàn toàn khác biệt. Nằm ở giữa Đông Âu và Trung Á, Nga đã phải trải qua rất nhiều các cuộc tấn công trên bộ, do đó nước này xây dựng lực lượng bộ binh lớn đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ và tấn công trên bộ. Tuy nhiên, Nga cũng phát triển cả hải quân ở mức tương đương hoặc thậm chí còn mạnh hơn cả các nước được cho là kẻ thù của Nga.

Tại sao Nga lại hành động như vậy? Liệu những sự kiện quốc tế gần đây có dự báo được các hành vi hải quân trong tương lai của nước này?

Khi Sa hoàng Peter Đại đế bắt tay vào xây dựng hải quân từ 330 năm trước, mục đích của ông là bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù đến từ Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc và phía nam đất nước, đồng thời chiếm thêm ghế cho Nga trên bàn đàm phán ngoại giao giữa các nước lớn. Hải quân hùng mạnh cũng giúp Sa hoàng mở rộng lãnh thổ và cho phép ông tiếp cận các đại dương rộng lớn.

Chuyến thám hiểm thứ hai đáng chú ý của Nga trên biển là vào thời điểm cao trào trong Chiến tranh lạnh, khi Đô đốc Gorshkov của Liên Xô lên kế hoạch và xây dựng một hải quân đối đầu với ưu thế vượt trội của Mỹ trên biển. Riêng số tàu ngầm của Liên Xô (385 chiếc) đã lớn hơn số tàu ngầm của NATO và chúng dần dần kiểm soát bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng nước ngoài trên thế giới đua tranh với các chiến hạm Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Tất cả những hoạt động này cũng chấm dứt khi Liên Xô sụp đổ. Các tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo của Nga cũng dần giảm các cuộc tuần tra trên Đại Tây Dương cho đến khi dừng hẳn vào năm 2001.

Tuy nhiên ngay sau đó, hải quân Nga đã sớm trở lại. Dấu mốc đầu tiên của việc hiện diện trở lại trên biển là vào năm 2008, dưới tác động của một số nhân tố.

Đầu tiên, quân đội Nga (bao gồm cả hải quân) đã tham gia vào cuộc chiến Georgia. Cuộc chiến ngắn ngủi bộc lộ nhiều yếu kém của quân đội Nga này đã thúc đẩy bộ đôi Putin-Medvedev thúc giục Bộ trưởng Quốc phòng Anatoliy Serdyukov cải cách quốc phòng. Ông Anatoliy đã học hỏi những sáng kiến của Mỹ để biến quân đội trở nên chuyên nghiệp hơn và có khả năng phối hợp tác chiến. Ngoài ra, ông Anatoliy cũng nâng cấp hoạt động huấn luyện, tinh thần và chất lượng tuyển quân trong hải quân Nga.

Thứ hai, giá dầu đột ngột tăng vọt khiến Nga có nguồn lực để lấp đầy những gì Mátxcơva cho là đang thiếu.

Thứ ba, bộ đôi tổng thống Vladimir Putin và Dmitri Medvedev quyết định đầu tư nhiều tiền vào xây dựng quân đội lớn hơn và mạnh hơn, và hải quân nước này đã đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong kế hoạch xây dựng 10 năm.

Hiện nay, thế giới lại chứng kiến lực lượng hải quân nước Nga được kích hoạt trở lại. Hãy quan sát sự can thiệp của Nga ở Syria: Hải quân Nga đã thức giấc sau giấc ngủ 20 năm và vào năm 2013 đã tái thiết đội tàu thường trực ở Địa Trung Hải, được hỗ trợ bởi bốn hạm đội lớn (Biển Bắc, Biển Baltic, Biển Đen và Thái Bình Dương).

Chiến hạm cỡ nhỏ lớp Buyan khai hỏa, phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspi tấn công các mục tiêu phiến quân Syria cách cả ngàn km

Máy bay chiến đấu Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sang tham chiến tại Syria

Sau khi chính quyền Obama tuyên bố “lằn ranh đỏ” đối với vũ khí hóa học của chính quyền tổng thống Syria Assad, chỉ hải quân Nga mới có thể hộ tống các tàu mang vũ khí hóa học của Syria tới nơi tiêu hủy. Cả thế giới đã hoan nghênh sáng kiến ngoại giao này của ông Putin. Sau đó, lực lượng không quân Nga đã đòi hỏi hỗ trợ phòng không và liên lạc trong các chiến dịch tác chiến hậu thuẫn chế độ của tổng thống Syria Assad.

Chiến dịch không quân của Nga sau đó được tăng cường với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được điều đến Syria vào tháng 9/2016. Chưa hết, hải quân Nga đã phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tấn công các vị trí phiến quân khủng bố ở Syria từ tàu chiến cỡ nhỏ Buyan-M ở Biển Caspi, và từ tàu ngầm chạy bằng diesel-điện lớp Kilo ở Địa Trung Hải. Sự kiện này đã gây ấn tượng mạnh với cả thế giới.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất là Nga đã cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các chiến dịch ở Syria bằng các tàu hậu cần hoạt động ở Biển Đen và được hộ tống và bảo vệ bởi đội tàu hải quân trên đường tới căn cứ Tartus ở Syria.

Trên toàn thế giới, hải quân Nga đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng, đặc biệt là so với xuất phát điểm rất thấp trong những năm 1990. Với khả năng tác chiến cùng không quân, kẻ thù không thể xâm phạm vào bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước Nga mà không bị đánh trả.

(còn tiếp)

Đặng Phương Thảo -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nga-phong-than-chet-kalibr-mynato-lo-so-hay-cuoi-ruoi-119889.html