Nga-Saudi Arabia giám sát thị trường dầu: Sức mạnh mong manh

Việc Nga và Saudi Arabia bắt tay giám sát thị trường dầu chỉ mang tính tình huống nhất thời và không nên hy vọng sẽ thay đổi được điều gì.

Mong manh

Liên quan đến việc Nga và Saudi Arabia nhất trí phối hợp hành động, thống nhất thành lập nhóm giám sát chung để ngăn chặn tình trạng bất thường của giá dầu, dưới góc nhìn của một chuyên gia quan hệ quốc tế, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an nhận định, cái bắt tay này chỉ là tạm thời và vô cùng mong manh.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, sự hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia không hỗ trợ gì nhiều cho giá dầu

Ông cho biết, xét về mặt kinh tế, giá dầu lên hay xuống do quy luật cung cầu của thị trường quyết định. Kinh tế thế giới đang ở khúc quanh trì trệ của lịch sử và các trung tâm kinh tế như Mỹ chưa có bước phát triển gì ngoạn mục, Nhật Bản vẫn trì trệ, kinh tế Trung Quốc suy thoái nặng nề hơn tưởng tượng và EU đang phải gồng mình lên để đối phó với 3 cuộc khủng hoảng một lúc. Chính vì thế, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới chững lại và giá dầu đi xuống là chuyện bình thường.

Bên cạnh quy luật cung cầu, giá dầu còn bị chi phối bởi những yếu tố chính trị và an ninh trong quan hệ các nước. Một năm rưỡi qua, một số cường quốc muốn tiếp tục đẩy giá dầu xuống tận cùng để nền kinh tế Nga và Iran suy yếu, từ đó buộc Moscow và Tehran phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, giá dầu xuống mức thấp nhất cũng khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ như OPEC, trong đó có Saudi Arabia không có lợi. Khi vượt quá giới hạn, bản thân quốc gia có chi phí khai thác dầu vào loại thấp của thế giới cũng không chịu nổi vì khi giá dầu xuống thấp, nền kinh tế Saudi Arabia cực kỳ khó khăn, an sinh xã hội nảy sinh nhiều vấn đề và người dân bất bình khiến Riyadh phải đau đầu.

"Chính vì thế, ý tưởng của Saudi Arbia là phải giữ giá dầu ở mức độ nào đó mà quốc gia này vừa chịu được, đảm bảo kinh tế ổn định và đời sống người dân không bị thay đổi một cách nghiêm trọng, đồng thời vẫn giữ cho mối quan hệ giữa Saudi Arabia với Mỹ và các đồng minh khác ổn định", Thiếu tướng Cương nói.

Đánh giá về cái bắt tay giữa Saudi Arabia và Nga, cùng nhau thành lập nhóm giám sát chung để ổn định thị trường dầu mỏ, ông khẳng định nó rất mong manh và chỉ mang tính tình huống mà thôi.

"Nên nhớ quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ là đồng minh, và nếu mô hình hóa quan hệ này là 10 thì quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga chỉ được 1. Cho nên cái bắt tay giữa Saudi Arabia và Nga lóe lên giống như giữa mùa đông lạnh giá thỉnh thoảng có những ngày nắng ấm chứ không phải bản chất. Đừng hy vọng chuyện Saudi Arabia bắt tay Nga thay đổi được điều gì trên thị trường dầu", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược nhận định.

Vị chuyên gia về quan hệ quốc tế cũng khẳng định, tới 95% Saudi Arabia đứng về phía Mỹ nhưng Riyadh khôn ngoan khi vẫn giữ mối quan hệ với Nga phòng trường hợp bị Mỹ ép quá thì sẽ mặc cả với Washington.

Nga-Saudi Arabia không kéo nổi giá dầu

Trước ý kiến lạc quan cho rằng việc thành lập nhóm giám sát chung sẽ giúp Nga và Saudi Arabia chi phối được giá dầu, Thiếu tướng Lê Văn Cương tỏ ra không mấy tin tưởng bởi nếu xét về thị phần trên thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới, hai quốc gia này cộng lại cũng chỉ ở mức khiêm tốn dù sản lượng khai thác lớn.

"Một mình Nga-Saudi Arabia không xoay chuyển được giá dầu. Trường hợp này giống như sự kiện Brexit. Khi nước Anh ra khỏi châu Âu, một số học giả cho rằng đó là sự kiện động trời nhất từ năm 1945 đến bây giờ nhưng thực tế, dân số nước Anh chỉ chiếm 1% dân số thế giới, GDP của Anh chỉ chiếm 3% thì làm sao có thể xoay chuyển được thế giới?

Tương tự, dù Trung Quốc lớn mạnh nhưng trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẵn sàng cứu thế giới nhưng đời nào họ chịu cứu?", ông Cương nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nga-saudi-arabia-giam-sat-thi-truong-dau-suc-mahh-mong-manh-3318196/