Nga tăng cường sức mạnh ở Bắc Cực răn đe Mỹ, Trung?

Nga sẽ tăng cường phòng thủ và bảo vệ chủ quyền của mình ở Bắc Cực.

Tờ báo tài chính Les Echos mới đây tung nhận định cho rằng Moscow sẽ tăng cường bảo vệ chủ quyền của mình tại đây như đã từng làm ở Ukraine và Syria.

Tờ báo dẫn lời tuyên bố mới đây của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người đứng đầu Ủy ban quốc gia Nga về Bắc Cực: “Nga sẽ đầu tư 20 triệu USD trong vòng 15 năm tới vào việc phát triển công nghệ thám hiểm Bắc Cực. Chính phủ cũng sẽ đóng thêm tàu biển hoạt động tốt trong môi trường lạnh giá”, ông Rogozin nói tại diễn đàn Tekhnoprom vào hồi tháng 6.

Tờ báo này cho rằng, khi nói lên những điều này, Nga đang nhằm mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào của nước ngoài trong các lĩnh vực như công nghệ sưởi ấm, vật liệu xây dựng và thiết bị liên lạc.

Nga sẽ tăng cường các hoạt động ở Bắc Cực trong điều kiện Trái Đất nóng lên.

Ông Rogozin cho biết, 90% các thiết bị nghiên cứu đang được sử dụng ở Bắc Cực đều được nhập khẩu từ nước ngoài do đó, Nga cần đầu tư vào phát triển công nghệ cho riêng mình nhằm tránh sự rủi ro chính trị.

Điều này rõ ràng là đang được Nga kích hoạt nhiều nghiên cứu quân sự.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, nước này đang phát triển một hệ thống sonar mới để bảo vệ lãnh hải ở Bắc Cực, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Hệ thống này được phát triển bởi Tập đoàn Almaz-Antey cùng nhiều nhà thầu quân sự khác, bao gồm các sonar nổi và cảm biến chìm dưới mặt nước. Nó có khả năng nghe được các tín hiệu âm thanh ở cả dưới và trên mặt nước, sau đó truyền thông tin qua đài kiểm soát trên mặt đất thông qua vệ tinh.

Vào hồi tháng 6, tàu phá băng Dự án 22220, có tên gọi Arktika đã được hạ thủy ở xưởng đóng tàu Baltic, thành phố St. Petersburg và sẽ được biên chế 3 chiếc vào năm 2020. Các tàu phá băng này sẽ dọn đường cho các tàu chờ dầu với trọng lượng 200.000 tấn và biến Nga thành quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất tại Bắc Cực.

Ngoài ra, Cơ quan xây dựng đặc biệt liên bang Nga (Spetsstroy) đang xây dựng các căn cứ quân sự và doanh trại ở khu vực Viễn Bắc, Viễn Đông và Siberia cho 20.000 quân nhân và gia đình của họ. Bằng hành động này, Nga hy vọng sẽ đảm bảo được an ninh cho khu vực Bắc Cực.

Việc Nga tăng cường các dự án ở Bắc Cực nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên chiếm 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới trong bối cảnh các quốc gia cùng hợp tác tại châu Âu đã cấm vận Moscow còn Mỹ và Trung Quốc- quốc gia chưa từng tuyên bố chủ quyền tại Bắc Cực cũng đang có các động thái gia tăng chú ý.

Mỹ- Trung Quốc tranh giành khiến Nga không thể không ngồi im

Trái Đất nóng lên là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng các động thái tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực với Nga.

Ông Martin Jeffries, cố vấn khoa học của văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR) cho rằng nhiệt độ nước tăng càng nhanh, bề mặt băng càng mỏng thì Bắc Cực ngày càng "mở" và sẽ có thêm nhiều tuyến hàng hải qua đây.

Ngoài ra, các vùng biển "mở" cũng tất yếu dẫn đến cuộc đua ngày càng gay gắt nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt.

Vị chuyên gia dẫn chứng việc Nga tăng cường thực hiện kế hoạch hiện diện ở Bắc Cực và dùng tàu phá băng để hộ tống các tàu thương mại. Các tàu nước ngoài muốn qua tuyến Biển Bắc phải trả tiền thuê tàu phá băng Nga nhằm đảm bảo an toàn.

Binh sĩ Mỹ tập trận tại Bắc Cực.

Hải quân Mỹ coi đây là mối đe dọa và đã vạch ra "lộ trình Bắc Cực" nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ cần thực thi trong cuộc đua với Nga. Nhiệm vụ này bao gồm nghiên cứu phân tích chi tiết mức độ sẵn sàng của hải quân như tìm kiếm cứu nạn, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR) cũng như phối hợp với lực lượng tuần duyên Mỹ.

Hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ vừa công khai kế hoạch triển khai hệ thống radar mới tại Na Uy gần biên giới Nga, một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga.

Theo kế hoạch, đến năm 2017, Mỹ sẽ chi 21,4 triệu USD cho việc sửa chữa và xây dựng lại hai nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Keblvike ở Iceland đã bị đóng cửa năm 2006. Các căn cứ này dự kiến được sử dụng cho các nhiệm vụ thông thường là săn tàu ngầm Nga.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng sẽ triển khai luân phiên thêm một lữ đoàn thiết giáp chiến đấu tới châu Âu như một phần trong nỗ lực đối phó với cái mà Mỹ gọi là hành vi gây hấn của Nga ở châu lục này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tang-cuong-suc-manh-o-bac-cuc-ran-de-my-trung-3314708/