Nga: Tổng Tham mưu trưởng “than phiền” về sự yếu kém của vũ khí, trang bị

QĐND Online - Một vài dòng vũ khí, trang bị của Nga có tính năng kỹ-chiến thuật kém hơn hẳn so với các dòng sản phẩm cùng chức năng của nước ngoài. Thực tế này đã được Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên bang Nga Nikolai Makarov tuyên bố với hãng tin Itar-Tass. Trong bài phát biểu của mình, ông N. Makarov đã lấy ví dụ từ việc so sánh tính năng giữa MBT T-90 với Merkava MK4 (Israel) và giữa pháo phản lực Smerch với HIMARS (Mỹ).

Lãnh đạo quân đội Nga cho biết, tầm bắn của xe tăng Merkava MK4 đạt tới 6 km, còn T-90 chỉ đạt 2,5 km. Trong khi đó, pháo phản lực HIMARS có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 150 km, còn tổ hợp Smerch là 70 km.

Ảnh minh họa/ Internet

Ông N. Makarov cũng nhấn mạnh, các vệ tinh quân sự mang thiết bị quan sát quang-điện tử của Nga chỉ có thể tồn tại trên quỹ đạo từ 3 tới 5 năm, còn các sản phẩm của nước ngoài có tuổi thọ tới 15 năm. “Vì tuổi thọ thấp, chúng ta cần phải thưởng xuyên thay thế chúng bằng tiền đóng thuế của người dân”, ông N. Makarov cho biết, khi xác nhận công nghệ quốc phòng hiện đại của Nga không đảm bảo khả năng bảo vệ ở mức độ cao cho binh sĩ trên chiến trường.

Tháng 3-2011, nhận định tương tự cũng được Tư lệnh lực lượng lục quân Nga Alexander Postnikov đưa ra. “Các dòng vũ khí do ngành công nghiệp quốc phòng nội địa sản xuất, gồm: các phương tiện chiến đấu bộ binh, pháo và vũ khí các nhân, có chất lượng kém hơn so với sản phẩm của NATO và thậm chí là của Trung Quốc”, ông A. Postnikov cho biết. Theo lời lãnh đạo lục quân Nga, MBT T-90 là phiên bản nâng cấp số 17 của MBT T-72 phát triển từ thời Xô viết và có giá 118 triệu rúp/xe. “Với số tiền đó, chúng tôi đủ sức mua được 3 xe tăng Leopard”, ông A. Postnikov nói.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nâng cao đặc tính chiến đấu của các dòng sản phẩm vũ khí sản xuất nội địa. Trong suốt thời gian dài, ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn nhận đơn hàng theo định mực số lượng và tuân theo các tiêu chuẩn lỗi thời, còn các dòng vũ khí, trang bị mới thì có chất lượng tụt hậu so với hàng nhập khẩu. Như vậy vấn đề của công nghiệp quốc phòng Nga là không thể đáp ứng các yêu cầu do quân đội đặt ra.

Trong vài năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga rất tích cực trong việc mua sắm vũ khí công nghệ mới từ nước ngoài. Cụ thể, mua máy bay không người lái từ Israel, tàu đổ bộ lớp Mistral từ Pháp, xe bọc thép Iveco LMV Lynx và công nghệ giáp từ Đức. Mục đích chính của việc làm nói trên là học hỏi công nghệ quân sự tiên tiến từ nước ngoài.

Tuấn Sơn (theo Lenta)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/115/115/115/167126/Default.aspx