Nga tuyên bố không rút quân khỏi Crimea

(NLĐO) – Ngày 5-3, Nga tuyên bố không thể rút quân khỏi Crimea trước cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề nới lỏng căng thẳng ở Ukraine và ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh.

Một người lính vũ trang được cho là lính Nga tai Crimea

Nga và phương Tây đang đối mặt với một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh mà nguyên nhân là sự căng thẳng ở Ukraine.

Hồi năm ngoái, khi Ukraine rút khỏi một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu dưới áp lực của Nga đã dẫn tới những tháng biểu tình tại Kiev và việc Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ ngày 22-2.

Sau đó, Nga tăng thêm quân tại khu vực tự trị Crimea khiến tình hình trong khu vực càng thêm căng thẳng và làm kích động giảm mạnh thị trường tài chính vào hôm 3-3.

Phát biểu ngay trước cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Paris, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lặp đi lặp lại rằng quân đội đang nắm quyền kiểm soát bán đảo của Ukraina tại Biển Đen không chịu sự chỉ huy của Nga.

“Nếu mọi người nghĩ các đơn vị tự vệ được tạo ra bởi sự yêu cầu của Crimea thì không phải, chúng tôi không cung cấp cho họ theo đơn đặt hàng, Crimea cũng không đặt hàng từ chúng tôi”.

“Các nhân viên quân sự của Hạm đội Biển Đen (Nga) đang trong kế hoạch triển khai của họ. Có các biện pháp cảnh giác bổ sung được thực hiện để bảo vệ các khu vực... Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc ngăn chặn bất kỳ sự đổ máu nào” - ông Lavrov phát biểu trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Tây Ban Nha tại Madrid.

Ngoại trưởng Lavrov sẽ có cuộc gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao Đức, Anh và Pháp cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande bên lề một hội nghị của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại Paris.

NATO và Nga sẽ hội đàm song song tại Brussels về những lo ngại và sự bế tắc giữa lực lượng Nga và Ukraine tại Crimea, muân thuẫn này có thể châm ngòi bạo lực.

Phương Tây đang thúc đẩy Nga rút quân và chấp nhận quan sát quốc tế ở Crimea và Ukraine.

Pháp cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhóm họp tại Brussels vào ngày 6-3 để quyết định hình thức trừng phạt nếu Nga không “xuống thang”. Các nước EU khác, trong đó có Đức, là kín đáo hơn về vấn đề này .

Tổng thống Vladimir Putin hôm 4-3 bảo vệ hành động của Nga tại Crimea - từng là lãnh thổ Nga, và cho biết ông sẽ chỉ sử dụng vũ lực là một phương sách cuối cùng.

Ukraine treo cờ trên tòa nhà chính phủ tại Donetsk

Theo Reuters, ngày 5-3, lá cờ Ukraine đã được treo lên tòa nhà chính phủ ở Donetsk thay thế cho một lá cờ Nga được treo tại đó hôm 2-3.

Cảnh sát đã rời khỏi tòa nhà chính phủ tại thành phố Donetsk - nơi bị người biểu tình ủng hộ Nga chiếm đóng từ ngày 3-3.

Trong một diễn biến khác, ngày 5-3, người phát ngôn tại Crimea của Bộ quốc phòng Ukraine Volodymyr Bova cho biết rằng quân đội Nga đã chiếm giữ một nửa đơn vị tên lửa của nước này trên bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết đài chỉ huy và trung tâm kiểm soát của căn cứ ở Evpatoria, trên bờ biển phía tây của Crimea, vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ukraine .

Trong một tin liên quan, các quan chức ngoại giao cho biết Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) sẽ gửi quan sát viên quân sự tới Ukraine.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-tuyen-bo-khong-rut-quan-khoi-crimea-20140305205913521.htm