Nga vì kinh tế ủng hộ Nhật ép Triều Tiên?

Nhật Bản đề nghị Nga hợp tác thông qua và thực hiện nghị quyết trừng phạt bổ sung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Kéo Nga ép Triều Tiên

Hôm 7/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ ba (EEF-3) tại thành phố Vladivostok của Nga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là lần thứ 19 hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm.

Theo báo chí Nhật Bản, tại buổi hội đàm, hai bên đã thống nhất nhận thức đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, coi việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân là “đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực”.

Tờ Yomiuri cho rằng để thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên không thể thiếu sự hợp tác của Nga, vì vậy, Nhật Bản phải tiếp tục kiên định cách tiếp cận dựa trên cơ sở quan hệ mật thiết giữa lãnh đạo hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc hội đàm ngày 7/9

Tại Vladivostok (Nga), ông Abe nhấn mạnh gia tăng áp lực tối đa đối với Triều Tiên là vấn đề hết sức quan trọng, đề nghị Nga hợp tác thông qua và thực hiện nghị quyết trừng phạt bổ sung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc cấm xuất khẩu dầu mỏ tới nước này.

Tuy nhiên, ông Putin vẫn giữ xu hướng thận trọng bằng phát biểu “giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ có thể bằng con đường chính trị, ngoại giao”. Tổng thống Nga Putin đã phát biểu rằng dù có tăng áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên, nước này cũng không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Nga, một nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cùng Trung Quốc đã đưa ra chủ trương các bên chấp dứt những hoạt động làm leo thang căng thẳng, với Triều Tiên là hoạt động thử hạt bom hạt nhân, phóng tên lửa, với Mỹ là hoạt động tập trận chung cùng Hàn Quốc.

Nhật Bản muốn Nga ủng hộ gia tăng sức ép với Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng

Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản cho rằng dù Mỹ và Hàn Quốc cam kết dừng tập trận, cũng khó có thể đảm bảo rằng Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân. Cho dù Nga khẳng định đối thoại với Triều Tiên sẽ mang lại kết quả, song việc gây áp lực đối với Triều Tiên sau vụ nước này thử vũ khí hạt nhân là điều không thể thiếu.

Câu hỏi đang được đặt ra cho Nga trong việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đề xuất của báo chí Nhật Bản là nên cấm ngay tuyến đường định kỳ đối với tàu hàng Man Gyong Bong của Triều Tiên - con đường có liên quan tới Nga. Đây cũng là một lỗ hổng trong nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc.

Báo chí Nhật Bản tự tin đưa ra đề xuất buộc Nga phải hợp tác để gia tăng sức ép đối với Triều Tiên trong bối cảnh Nga đang kêu gọi các nước, nhất là Nhật Bản rót vốn đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga.

Ngược lại, phía Nhật Bản cũng rất muốn cùng Nga triển khai hoạt động kinh tế chung tại 4 đảo tranh chấp với mục đích tạo môi trường thuận lợi để tiến hành đàm phán về vấn đề lãnh thổ.

Trong tuyên bố chung sau hội đàm ở Vladivostok, Thủ tướng Abe tuyên bố hoàn toàn quyết tâm tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình với Nga.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-vi-kinh-te-ung-ho-nhat-ep-trieu-tien-3342815/