Ngạc nhiên tuần dương hạm tên lửa đầu tiên của Liên Xô

Chiếc tàu chiến được coi là tuần dương hạm tên lửa đầu tiên của Liên Xô chỉ có lượng giãn nước tương đương khu trục hạm hiện đại.

Hoàng Lê

Ngày 30/12/1962, Hạm đội Baltic, Hải quân Liên xô chính thức tiếp nhận chiến hạm Groznyy - chiếc đầu tiên thuộc tuần dương hạm tên lửa Project 58 (NATO định danh là lớp Kynda). Đây được xem là lớp tuần dương hạm tên lửa thế hệ đầu tiên của Hải quân Liên Xô, được trang bị những hệ thống tên lửa hiện đại nhất thời bấy giờ.

Tổng cộng đã có bốn chiếc tàu tuần dương tên lửa Project 58 ra đời gồm: Groznyy; Đô đốc Fokin (gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương năm 1964); Đô đốc Golovko (gia nhập Hạm đội Baltic năm 1964) và Varyag (gia nhập Hạm đội TBD năm 1965). Trong số các tàu này, chiếc Golovko hoạt động lâu nhất, tới tận năm 2002 mới bị loại biên chế và tháo dỡ.

Tuần dương hạm tên lửa đầu tiên của Liên Xô khi đó cũng có kích cỡ rất khiêm tốn, lượng giãn nước tiêu chuẩn chỉ là 4.400 tấn, toàn tải là 5.500 tấn, dài 141,7m. Kích cỡ này so với chiến hạm hiện đại thì nó chỉ tương đương với khu trục hạm tên lửa.

Tuần dương hạm tên lửa Project 58 sử dụng động cơ tuốc bin hơi nước với 4 nồi hơi, hai tuốc bin khí cung cấp tốc độ tối đa đến 34 hải lý/h, dự trữ hành trình đến 13.000km với tốc độ kinh tế 14,5 hải lý/h.

Project 58 thời bấy giờ trang bị hệ thống vũ khí mà có nằm mơ Mỹ - phương Tây cũng khó có được với hệ thống tên lửa chống hạm tầm siêu xa và tên lửa phòng không hiện đại. Ảnh: Hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không của một tàu Project 58 trong trạng thái chiến đấu.

Mỗi một chiếc Project 58 được trang bị hai bệ phóng xoay với 4 ống phóng tròn chứa tên lửa hành trình P-5 Pyatyorka - loại tên lửa chống hạm mạnh nhất Liên xô thời bấy giờ, chuyên dùng để hủy diệt nhóm tàu sân bay Mỹ.

Trong ảnh, tàu tuần dương Project 58 phóng tên lửa hành trình P-5 (NATO gọi là SS-N-3 Shaddock).

Mỗi quả tên lửa hành trình chống hạm P-5 có trọng lượng tổng thể tới 5 tấn, dài đến 10,2m, sải cánh đến 5m, mang theo đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 200-350kiloton.

Tên lửa P-5 đạt tầm bắn xa 450km - xa hơn bất kỳ tên lửa diệt hạm của Mỹ - NATO thời bấy giờ, sử dụng công nghệ dẫn đường radar chủ động pha cuối rất hiện đại.

Về phòng không, tuần dương hạm Project 58 trang bị tổ hợp tên lửa hải đối không tầm ngắn – trung M-1 Volna – phiên bản hải quân của tên lửa đất đối không S-125 Neva/Pechora.

M-1 Volna trang bị đạn tên lửa hải đối không V-600 có thể bắn hạ các mục tiêu ở cự ly 4-15km, độ cao từ 10m tới 10km hoặc đạn V-601 có tầm bắn từ 4-22km, độ cao từ 10m tới 14km.

Tuần dương hạm tên lửa Project 58 còn có hệ thống chống ngầm tương đối mạnh thời kỳ bấy giờ với 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm, hai bệ phóng bom chống ngầm RBU-6000 và trực thăng săn ngầm Ka-25.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/ngac-nhien-tuan-duong-ham-ten-lua-dau-tien-cua-lien-xo-708124.html