Ngại học nghề

Ngày 1-12 tới đây, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng 1 triệu đồng/tháng đối với thời gian học 3 tháng và 600 ngàn đồng/tháng đối với khóa 6 tháng. Mức hỗ trợ này đã tăng gấp đôi so với mức cũ, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia vẫn rất khó để thu hút NLĐ học nghề sau thất nghiệp.

Kinh tế khó khăn, NLĐ đăng ký hưởng BHTN gia tăng

Rầm rộ đăng ký thất nghiệp, đìu hiu học nghề

Theo thống kê của Cục Việc làm Bộ LĐTB&XH, đến ngày 20-9-2013, cả nước có hơn 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 114.000 người đăng ký thất nghiệp. Đáng chú ý lao động đến đăng ký thất nghiệp trong những năm qua chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo trong các ngành nghề như: chế biến gỗ, may mặc, điện tử… chiếm hơn 93% trong tổng số lao động đến đăng ký thất nghiệp. Tuy nhiên, sau 5 năm chính sách BHTN đi vào cuộc sống chỉ có 13.601 NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề trong tổng số 8,3 triệu NLĐ thất nghiệp.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, đại diện Cục Việc làm cho biết, số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề có xu hướng tăng dần theo các năm, song với số người hưởng BHTN quá thấp. Theo thống kê của Trung tâm GTVL tỉnh Bình Dương năm 2010 chỉ có duy nhất 1 người thất nghiệp đăng ký học nghề, năm 2011 tăng lên được 6 người, năm 2012 có 590 người đăng ký, nhưng chỉ có 78 người học (đạt 13,22%). 9 tháng của năm 2013 có 888 người đăng ký, nhưng chỉ có 341 người học (đạt 38,4%).

Đại diện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh, công tác hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp đến nay vẫn chưa thu hút được. Số người được hỗ trợ học nghề năm 2011 và năm 2012, mỗi năm cũng chỉ có một người. Hầu hết người hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về học nghề, nhưng NLĐ đều không mặn mà. Lý do là người lao động không có nhu cầu, không muốn thay đổi ngành nghề. Mặt khác, học nghề ở trình độ sơ cấp cũng chỉ đạt ở mức lương lao động phổ thông, tại một số công ty khi vào làm cũng được đào tạo lại.

Tăng hỗ trợ, NLĐ có mặn mà học nghề?

Theo Quyết định số 55/2013 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-12-2013 tới đây, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, người đang hưởng BHTN học nghề thời gian 3 tháng sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Đối với người học nghề kéo dài 6 tháng sẽ được hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng. Kinh phí do Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Mặc dù chưa có hiệu lực thi hành, nhưng những thông tin liên quan tới tăng mức hỗ trợ đối với học nghề đã được đông đảo NLĐ tìm hiểu và nắm bắt. Tuy nhiên, khi được hỏi vẫn có không ít NLĐ "thờ ơ” với việc học nghề. "Vừa được học nghề vừa được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng rất ý nghĩa đối với NLĐ khi thất nghiệp. Nhưng học xong vẫn thất nghiệp thì thà lấy tiền trợ cấp và đi làm thuê thời vụ còn hơn” – Nguyễn Thị Chinh công nhân một nhà máy ở Hà Nội cho biết.

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hiếm mà là tâm lý chung của nhiều lao động ngay sau khi Luật Bảo hiểm thất nghiệp đi vào đời sống. Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm GTVL Hà Nội - người đã có thâm niên trong lĩnh vực đào tạo và giới thiệu việc làm ( xin được giấu tên) - thẳng thắn chia sẻ: "Sau hàng trăm cuộc họp, vận động rồi cả tuyên truyền vẫn không tìm được lời giải tại sao NLĐ thất nghiệp thờ ơ với học nghề, cuối cùng kết luận là do kinh phí ít nên NLĐ không mặn mà. Kinh phí cũng là một nhân tố tạo tâm lý "ngại” học nghề song không phải là tất cả, là trọng tâm. Với mức hỗ trợ cũ 300 ngàn đồng/tháng đúng là ít thật, song đối với NLĐ thất nghiệp người ta quan tâm làm sao tìm được công việc mới chứ không hẳn vì "tiền ít nên không học”.

Cũng theo đại diện Trung tâm GTVL Hà Nội, đa phần lao động đăng ký hưởng BHTN là lao động phổ thông, chính vì vậy dù có trải qua 3 hay 6 tháng học nghề họ cũng không thể trở thành kỹ thuật viên, kỹ sư… xin được một nơi có mức lương cao hơn. Do đó, vấn đề mấu chốt ở đây là tạo việc làm và bảo vệ việc làm bền vững cho họ. Hiện nay các chế tài bảo vệ NLĐ đã có song vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để nên mới có tình trạng "DN gặp khó thì sa thải NLĐ”.

L.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70901&menu=1479&style=1