“Ngài về nhì” vĩ đại

Trong thế giới túc cầu có huấn luyện viên Hector Cupe (người Argentina) từng được mệnh danh là “Ngài về nhì” khi 3 lần dẫn dắt CLB Inter Milan (Italia) chỉ về nhì Serie A. Và nay trong văn học có Haruki Mukarami, nhà văn lừng danh Nhật Bản với hàng loạt tác phẩm lớn được dịch ra tiếng Việt như “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”, “Người tình Sputnik”, “1Q 84”…

Trước giải, bao người đã “cá độ” Mukarami thắng, và “vỡ mộng” khi giải thưởng được trao cho một bà cụ 82 tuổi, với nhận xét của Ủy ban Nobel về giải văn học năm nay: “Bậc thầy của truyện ngắn đương đại”.

Đây cũng là lần đầu tiên, Nobel văn học vinh danh một người chỉ sáng tác truyện ngắn. Trong hai lần trước khi Murakami bị Mạc Ngôn (Trung Quốc) và Tomas Tranströmer (Thụy Điển) đánh bại thì năm ngoái là “cú ngã ngựa” bất ngờ nhất bởi bao người tin Mukarami thắng. Và Mạc Ngôn thắng có nhiều ý kiến cho là Nobel thiên về chính trị, khi tác phẩm Mạc Ngôn vẫn dựa trên cái nền cách mạng văn hóa. Còn Murakami cứ xoáy sâu đào bới nỗi cô đơn con người.

Trở lại năm nay, người thắng giải là cụ bà Alice Munro (82 tuổi). Cảm giác đầu tiên của bà như nói với báo giới là “chuyện xảy ra thật huy hoàng, tôi chẳng thể tả được, không biết nói làm sao”, rồi bà bảo: “Tôi hy vọng rằng việc này sẽ khiến người ta xem truyện ngắn như một nghệ thuật quan trọng, chứ không phải là thứ bạn giỡn đùa trước khi có được một cuốn tiểu thuyết”.

Vì sao bà Munro thắng, với các nhà phê bình bà có lối kể chuyện tinh vi và được ví như Chekhov của Canada.

Với khán giả VN, bà được biết đến với tập truyện ngắn “Trốn chạy” đã phát hành ở VN năm 2012 và đang được rục rịch tái bản. Bối cảnh không gian truyện của bà là một thị trấn nhỏ bé, chuyện thì là những việc xảy ra thường ngày nhưng vấn đề đặt ra lại mang tính toàn cầu về tình yêu, sự sinh tồn…

Đi sâu mổ xẻ thành công của Munro sẽ có nhiều nhà phê bình, chỉ xin nói thêm rằng có lẽ Ủy ban trao giải Nobel luôn thích sự độc đáo, khác người đã trao giải cho một cụ bà tài năng mà thời gian không còn ủng hộ. Hơn nữa đó còn là sự hâm nóng một nền văn học Canada dường như đã “đóng băng” bao năm nay.

Còn Murakami, ông tài thật đấy nhưng việc ông viết và cho ra đời liên tục những tác phẩm lớn, thể hiện khả năng sáng tạo dồi dào của ông, nhưng cũng có mặt trái của nó. Ở đâu đó đã có dấu hiệu lặp lại của nhân vật Tôi: thông minh, tinh tế, nhạy cảm và cô đơn đến tận cùng. Và Murakami sinh năm 1949, ông “mới” có 64 tuổi vẫn còn nhiều năm nữa để “hiện thực hóa” giấc mơ Nobel. Mà liệu ông có hay nằm mơ không nhỉ?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/ngai-ve-nhi-vi-dai/144683.bld