Ngẫm từ một cuộc triển lãm ảnh

Năm ngoái, Hà Nội có cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Nhật Bản: Thần kỳ sau Thế chiến” trưng bày những bức ảnh do các tác giả Nhật Bản chụp lại trên đất nước vừa thoát khỏi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai như kẻ thua trận với những dấu tích tàn phá nặng nề không chỉ trên mặt đất đã từng hứng chịu hai trái bom nguyên tử mà còn trong cả tâm hồn một quốc gia phương Đông từng tự hào về sự hùng cường vươn lên từ tinh thần của công cuộc Minh Tân.

John Ramsden tại cuộc triển lãm “John Ramsden & Hà Nội - mảnh đất hóa tâm hồn”. Ảnh: Ngô Vương Anh

Những tấm ảnh ấy giúp những người xem ngày hôm nay hiểu được cái sức chịu đựng và ý chí phục hận của người Nhật Bản gắn với những bước tiến vững chãi trên con đường phục hưng dân tộc để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới... Tiếp đó, đầu năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật - Việt, bạn lại có cuộc triển lãm ảnh về thảm họa sóng thần và hạt nhân để cho thấy sâu sắc hơn cái sức chịu đựng và cái ý chí phục hưng đã trở thành truyền thống của mình.

Còn mới đây, cũng nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Anh - Việt, một cuộc triển lãm những bức ảnh của một tác giả người Anh được tổ chức tại Hà Nội. Chỉ có điều là những bức ảnh được trưng bày tại cuộc triển lãm này là do một người Anh chụp trên đất nước và về con người Việt Nam cách nay ba thập kỷ. Đó là những bức ảnh chụp về Hà Nội của vị Phó Đại sứ Anh, John Ramsden, khi ông đến thực thi nhiệm vụ tại Việt Nam trong nhiệm kỳ từ 1980 đến 1983. Cuộc triển lãm “John Ramsden & Hà Nội - mảnh đất hóa tâm hồn” đã được các phương tiên thông tin đại chúng đưa tin khá nhiều, một phần để góp vào việc tuyên truyền cho sự kiện ngoại giao này, nhưng thực sự nó cũng gây được cảm xúc mạnh mẽ cho người xem Việt Nam và đặc biệt là với người Hà Nội.

Vài tháng trước ngày tổ chức triển lãm, John Ramsden được giới thiệu đến gặp chúng tôi, mấy vị được coi là cao niên lại có chút kiến thức về quá khứ để giúp tác giả đọc lại những ký ức đã được ghi vào những tấm phim nhựa từ cách đây 30 năm. Theo người chụp thì hơn một ngàn bảy trăm lần “bấm máy”, ông chỉ có một cảm xúc “là lạ” về một xứ sở mà lần đầu tiên nhà ngoại giao Anh đặt chân tới. Và cũng như nhiều người phương Tây khác, vào thời điểm mở đầu thập kỷ 1980, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nói theo cách của truyền thống quốc tế hay cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo cách gọi của ta, vừa kết thúc chưa lâu. Vào thời điểm ấy, Việt Nam vẫn chưa bước hẳn ra khỏi chiến tranh, hay nói đúng hơn lại cũng vừa chấm dứt cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cả ở phía Tây Nam chống diệt chủng Pol Pot, cả ở biên giới phía Bắc với quân chính quy của Trung Quốc mà hệ lụy của nó còn kéo dài đến gần một thập kỷ sau đó (1989).

Tuy nhiên, với một người phương Tây đến Việt Nam vào thời điểm đó, chắc chắn sẽ bị kích thích bởi sự “tò mò” tìm hiểu về cái đất nước và con người đã đủ sức và có gan đương đầu đã làm cho Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến tranh như kẻ chiến bại, nay lại tiếp tục phải gồng mình với người láng giềng phương Bắc truyền thống giữa lúc cái thế giới đã từng nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh có phần lạnh lùng xa lánh vì sự khó hiểu với nhiều mặc cảm kém thân thiện về con đường phát triển của Việt Nam...

Tôi hỏi ông John Ramsden rằng, khi đó một người phương Tây cầm máy ảnh trong con mắt của cơ quan an ninh sở tại là vô cùng nguy hiểm, chắc ông cũng phải chịu nhiều phiền toái lắm!? Thời chiến, ý thức cảnh giác với người nước ngoài, lại là người phương Tây đã ăn sâu như một bản năng của người dân. Nhà ngoại giao Anh nói rằng đúng là có nhiều phiền toái, nhưng không phải từ các cơ quan an ninh vì có quy chế ngoại giao và người ta có theo dõi cũng tế nhị, nhưng khó khăn nhất lại từ phía người “được chụp”. Họ không muốn xuất hiện trong cảnh đất nước của họ còn lam lũ và e ngại điều đó ảnh hưởng đến “uy tín của chế độ”... Nhà ngoại giao cho biết thường đặt vị trí máy, góc chụp kín đáo, đôi khi giấu trong vạt áo và thao tác thật nhanh kèm theo một nụ cười thân thiện nếu người “bị chụp” phát hiện.

Tác giả cũng cho biết rằng, số phim đồ sộ ấy được ông bảo quản kỹ như những kỷ niệm về một đất nước mà ông đã sống và làm việc trong nhiệm kỳ ngoại giao của mình tựa như ở Berlin, Geneva hay Croatia... trong những nhiệm kỳ sau đó. Chỉ đến thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông mới lựa chọn để làm một cuộc trưng bày nhỏ tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở Bath.

Hiệu ứng ngoài mong đợi từ việc trưng bày những tấm ảnh của một người cầm máy “amateur” (tài tử không chuyên nghiệp) đã khiến ông phải “khai quật” cái mỏ ký ức mà ông đã cất giữ. Với sự trợ giúp và khích lệ của các bạn trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc tại Anh, một cuộc trưng bày thứ hai được tổ chức ngay tại London, thủ đô của nước Anh. Và kết quả của nó lại thúc đẩy cho một cuộc triển lãm tổ chức ngay chính tại Việt Nam, tựa như trưng ra một tấm gương soi để công chúng lần này đến xem có thể chiêm ngưỡng chính thành phố và các thế hệ những người đã sống ở Hà nội 30 năm về trước.

Là người được John Ramsden nhờ “đọc” lại những tấm ảnh ông chụp để làm phần thuyết minh cho các tấm ảnh sẽ trưng bày, thật xúc động. Ngoài việc xác định nơi chụp mà mới ba thập kỷ đã khó nhận biết thì có rất nhiều sự vật đến nay không còn nữa và chắc chắn nếu không có thuyết minh thì nhiều bạn trẻ chẳng thể hiểu được. Ví như các nghề “rút lốp” hay nghề dán dép nhựa, những tổ phục vụ bán nước sôi, hay những toa tàu điện cổ lỗ luôn có lũ trẻ bám theo như một trò chơi chốn đô thị...
Đối với lớp người như tôi, những người từng sống chung với những gì được ghi chép lại trong những tấm ảnh triểm lãm thì hiểu được tâm trạng con người thuở đó. Sự chịu đựng tích tụ trong những năm bom đạn chiến tranh khiến cho những ngày không có tiếng bom đạn trở nên quý giá. Những khó khăn thiếu thốn trong đời sống vẫn được an ủi rằng “mọi người đều khó”. Hồi đó những người giàu có chưa nhiều và cũng nép mình tránh lộ diện. Tuy chưa ai hình dung rồi cuộc sống sẽ ra sao nhưng họ có niềm tin “tất thắng” là mọi cái sẽ tốt đẹp dần lên...

Vì thế, thật dễ hiểu khi cảm nhận của tác giả, cũng như các bạn bè quốc tế khi xem cuộc triển lãm những tấm ảnh này đều nói đến sự chịu đựng và niềm lạc quan của con người Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng như những phẩm chất đáng kính trọng của quá khứ. Còn với các công chúng trẻ tuổi thì là một sự phát hiện về chính thế hệ cha anh của mình.

Xem triển lãm này bỗng liên tưởng đến cuộc triển lãm của các bạn Nhật như đã giới thiệu ở trên với suy nghĩ về hoàn cảnh của hai dân tộc hiện lên trong những tấm ảnh. Người Nhật với cái lam lũ, tủi nhục của nước thua trận đã từ đó mà đi lên, ai cũng thấy. Nước Việt Nam chịu đựng chồng chất những hậu quả chiến tranh nhưng trong tư thế của một dân tộc “đi từ chiến thắng này sang chiến thắng khác”, “đánh thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác” sao thấy chật vật khi chọn cho mình con đường phát triển đến thế ?!...

Khi trao đổi với nhóm các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Việt Nam, mọi người đều nhận ra một điều: Cái thời John Ramsden chụp những tấm ảnh này đem ra triển lãm, ở nước ta để có một cái máy chụp ảnh, đủ phim dùng là không dễ. Đến bây giờ, máy ảnh quá sẵn, chi phí chụp ảnh không đáng kể... nhưng liệu 30 năm nữa chúng ta có thể làm một cuộc triển lãm tương tự như ngài John đã làm không? Câu trả lời là... không chắc!

Dường như người Việt Nam ta còn thiếu rất nhiều phẩm chất để kiến tạo tương lai trong khi luôn đủ sức ứng phó với những thách thức hiện tại.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ngam-tu-mot-cuoc-trien-lam-anh/144664.bld