Ngăn chặn nguy cơ suy thoái bộ máy

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Để Nghị quyết Trung ương 4 đi vào cuộc sống phải hành động và hành động quyết liệt; nói ít làm nhiều, không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, tức là quyết tâm làm đến cùng.

PGS Lê Quốc Lý.

Theo PGS Lê Quốc Lý, phải chỉnh đốn Đảng vì thực tế trong những năm qua có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. “Từ Nghị quyết Trung ương VI lần 2 khóa VIII đã triển khai vấn đề chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, lãng phí quan liêu của cán bộ, đảng viên. Đến nay qua nhiều Đại hội vấn đề suy thoái, tham nhũng, tự diễn biến có vẻ như ngày càng trầm trọng hơn; phức tạp hơn đe dọa đến sự ổn định phát triển của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng; cho nên Đảng phải ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII”- PGS Lê Quốc Lý cho hay.

Trước tình hình phức tạp đòi hỏi Đảng phải có những quyết sách để vượt qua những khó khăn thách thức, trong đó có việc chỉnh đốn để làm cho Đảng mạnh hơn. “Phải thừa nhận niềm tin của dân với Đảng đã giảm sút vì lý do khách quan, chủ quan, có một số cá nhân tổ chức gây ra sai lầm khuyết điểm làm cho niềm tin một bộ phận người dân giảm sút, cho nên Đảng phải một lần nữa chỉnh đốn lại đội ngũ, tổ chức để bảo đảm Đảng thực sự của dân, vì dân và từ đấy tạo niềm tin trong nhân dân”- theo PGS Lê Quốc Lý.

Từ phân tích trên, để Nghị quyết Trung ương 4 đi vào cuộc sống, ông Lý cho rằng: Cần rà soát hoàn thiện các quy định quản lý điều hành và công khai minh bạch. “Hiện nay nhiều nơi có việc làm sai trái hay cơ chế xin - cho trong vấn đề quản lý đầu tư, tài chính trong bổ nhiệm cán bộ là cả một khâu mà gây ra rất nhiều bức xúc trong nhân dân cho nên phải rà soát lại các việc này để chặt chẽ hơn”.

Theo đó, phải quản lý cán bộ thật chặt, vì quản lý cán bộ hiện nay có nhiều vấn đề. “Như vụ Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ Minh Hoàng chưa vào biên chế chính thức đã đề bạt Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thì đó có phải là đùa với bộ máy hành chính hay không? Và đây có phải là nguy cơ làm suy thoái bộ máy hay không?”- ông Lý đặt vấn đề và cho rằng: Ai cũng vào bộ máy dễ dàng, lên chức nhanh như thế rất dễ xảy ra chuyện người không đủ năng lực leo cao; chạy tiền để vào sâu, leo cao thì sức chiến đấu của Đảng có được bảo tồn không? Cho nên câu chuyện này không hề là đơn giản, phải quyết tâm khắc phục. Rồi vấn đề tha hóa trong Đảng, cán bộ ham chơi chè chén là một sự lãng phí, là hình ảnh xấu không phải là tấm gương cho người dân noi theo.

PGS Lê Quốc Lý cũng đề nghị, phải kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Đảng. Các kết luận ban hành nhiều nhưng ít kiểm tra việc thực hiện như thế nào? Thực hiện ra sao? Ai bị kỷ luật? Có nghĩa là thực hiện không đến nơi đến chốn, làm cho các quyết định của Đảng, Nhà nước yếu đi. Từ đó phải giám sát, kiểm tra kỹ, đặc biệt là các cán bộ gây ra nhiều tiếng xấu phải áp dụng cơ chế từ chức. Chưa gây ảnh hưởng đến mức phải kỷ luật nhưng phát ngôn không chuẩn; làm ăn kém hiệu quả; địa phương để xảy ra mất đoàn kết; bộ, ngành không phát triển được; chỗ này chỗ kia sau... 1-2 năm kiểm tra thấy không đem lại phát triển cho đất nước, cho tập thể thì người đứng đầu nên từ chức.

“Chúng ta phải đẩy mạnh cơ chế từ chức vì nếu không ai cũng nghĩ “lên rồi an vị đến cuối đời”. Lãnh đạo như ca sĩ đứng trong dàn hợp xướng cứ máy môi không biết hát nhưng vẫn tồn tại vì hát nhép, hát dựa vào người hát thật, không biết được ai giỏi ai kém. Đã đến lúc phải truy trách nhiệm cá nhân. Sau một thời gian quyết định hay làm một cái gì thấy không hiệu quả thì nên cho thôi chức. Nếu bản thân người đó không từ chức thì dư luận, tập thể, tổ chức ép phải từ chức”- PGS Lê Quốc Lý nói, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải tin rằng có rất nhiều người tài. Đừng bao giờ nghĩ nếu thay thì không có người làm việc”.

Hoài Vũ (ghi)

Từ khóa

ngăn chặn nguy cơ suy thoái bộ máy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/ngan-chan-nguy-co-suy-thoai-bo-may/140657