Ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Sáng 9-9, thế giới một lần nữa lại chấn động trước hành vi mới của Triều Tiên khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và là lần thứ hai kể từ đầu năm tới nay. Đây là một bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sự không hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhằm ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của nước này.

Dư luận đồng loạt phản ứng bất bình

Theo nhận định Cơ quan khí tượng Hàn Quốc, vụ thử ngày 9-9 của Triều Tiên đã gây nên một vụ nổ mạnh 10 kiloton, gần gấp đôi cường độ của vụ thử hạt nhân hồi tháng 1, kém hơn một chút so với vụ ném bom thành phố Hiroshima hồi Thế chiến thứ II, có cường độ đo được khoảng 15 kiloton. Trong khi đó, chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở bang California (Mỹ) nói rằng đây là một thiết bị với sức nổ từ 20-30 kiloton. Vụ nổ có sức công phá ước tính mạnh nhất từ trước tới giờ của một thiết bị hạt nhân Triều Tiên.

Trước hành động khiêu khích mới của Triều Tiên, cộng động quốc tế đã đồng loạt bày tỏ phản ứng bất bình. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án Triều Tiên vi phạm những nghị quyết của HĐBA LHQ. Nhà lãnh đạo này cho rằng sự khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên “chứng tỏ sự liều lĩnh điên rồ của Kim Jong Un quyết bám lấy việc phát triển hạt nhân.” Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Gyo-ahn cũng khẳng định Seoul sẽ kêu gọi LHQ áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình nghiêm trọng khác xa trước đây khi Triều Tiên thực hiện những vụ thử hạt nhân cứ ba năm một lần. Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là rõ ràng và mang tính sống còn.”

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, nếu vụ thử hạt nhân được xác nhận thì nó sẽ là “điều hoàn toàn không thể chấp nhận được” và Tokyo sẽ kêu gọi hành động từ HĐBA LHQ. Ông nói: “Nhật Bản hiện là thành viên của HĐBA LHQ, vì vậy chúng tôi cũng sẽ làm việc chặt chẽ với LHQ để tìm ra cách tốt nhất ứng phó với tình hình này, nếu quả thực vụ thử hạt nhân này đã được thực hiện.”

Tại Mỹ, Nhà Trắng đã ra một thông cáo tái khẳng định cam kết “không thể phá vỡ” của Tổng thống Obama với các nước đồng minh ở châu Á và khắp thế giới và cho biết Tổng thống sẽ tham khảo ý kiến của những nhà lãnh đạo khác để bảo đảm rằng những hành vi khiêu khích của Triều Tiên sẽ hứng chịu “những hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. IAEA tuyên bố đây là một “hành động vô cùng đáng lo ngại và đáng tiếc”.

Về phía Trung Quốc, điểm tựa chính của chế độ Kim Jong Un, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh “mạnh mẽ” kêu gọi Triều Tiên “tôn trọng cam kết của họ đối với việc giải trừ hạt nhân, tuân thủ những nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an và ngừng thực hiện bất kỳ hành động nào làm tình hình thêm trầm trọng”. Cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã kêu gọi tất cả các bên trong cộng đồng quốc tế kiềm chế sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, nói rằng không ai được lợi nếu có sự hỗn loạn và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dùng quân bài hạt nhân làm "bùa hộ mệnh". Ảnh tư liệu

Triều Tiên sắp thành mối đe dọa hạt nhân?

Theo tờ New York Times, vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên rất đáng ngại không chỉ vì nước này đang dần làm chủ được công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử, mà còn vì Bình Nhưỡng đang đạt tiến triển trong chương trình phát triển loại tên lửa có thể phóng đầu đạn hạt nhân đi xa nửa vòng trái đất.

Theo các nhà phân tích và các quan chức quân sự, Triều Tiên đang tích cực hoàn thiện loại tên lửa nhỏ, nhanh, nhẹ và có khả năng tấn công bất ngờ. Trong mùa hè và mùa xuân năm nay, Bình Nhưỡng đã thử thành công một số loại tên lửa này, khác với các nỗ lực trước đó đều thất bại. Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York, ông John Schilling, kỹ sư về vũ trụ đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về chương trình tên lửa của Triều Tiên, cho biết: "Họ đã tăng đáng kể tốc độ tiến hành các vụ thử, và trong chừng mực nào đó, cố tình cho chúng ta thấy hình ảnh nơi diễn ra vụ thử mà lẽ ra họ phải giấu. Đó là điều mà chúng ta không thể phớt lờ nữa. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ sắp tới".

Các chuyên gia quân sự dự đoán tới năm 2020, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ có khả năng chế tạo được một tên lửa liên lục địa đáng tin cậy, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Họ cũng dự đoán rằng tới khi đó Triều Tiên có thể tích lũy được đủ số nguyên liệu hạt nhân để sản xuất tới 100 đầu đạn. Siegfried S. Hecker, Giáo sư ĐH Stanford đã từng tới Triều Tiên, cho biết những tiến bộ của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa và hạt nhân phát đi tín hiệu rằng nước này đã chuyển từ chính sách coi vũ khí phi thông thường là quân bài mặc cả sang chủ trương "cần phải có một lực lượng chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân".

Trong một báo cáo hồi đầu năm, Lầu Năm Góc đã cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng một trong những tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng, nếu được hoàn thiện, "sẽ có thể vươn tới hầu hết phần lục địa của Mỹ." Tại một cuộc điều trần ở Quốc hội, các quan chức Mỹ đưa ra nhiều chi tiết hơn. Họ cho biết các phân tích tình báo xác định rằng Triều Tiên có thể thu nhỏ một vũ khí hạt nhân để gắn nó vào loại tên lửa có thể phóng tới tận Mỹ, mặc dù khả năng một vụ tấn công như vậy thành công được đánh giá là thấp. Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, gần đây đã đưa ra trên blog cá nhân những đánh giá về khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên không chỉ bay tới được Bờ Tây nước Mỹ, mà còn có thể tấn công những mục tiêu trên khắp nước Mỹ, trong đó có cả thủ đô Washington.

Vị trí tâm chấn của vụ thử hạt nhân Triều Tiên tiến hành sáng 9-9.

Hiện nay, KN-08 và KN-14 được dư luận rộng rãi đánh giá là tên lửa đáng gờm nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên, nhất là sau vụ thử hồi tháng 4 chứng tỏ động cơ của hai loại tên lửa này rất đáng gờm. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý phải mất một vài năm nữa Triều Tiên mới có thể triển khai được một tên lửa tầm xa đáng tin cậy. Đơn cử như nước này chưa làm chủ được công nghệ phức tạp cần thiết để ngăn chặn đầu đạn hạt nhân bốc cháy do hơi nhiệt mà nó tỏa ra trước khi lao từ vũ trụ xuống mục tiêu.

Kể từ năm 2014, hơn một năm sau khi Kim Jong Un thay cha lãnh đạo đất nước, Bình Nhưỡng đã dồn dập tiến hành các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thông báo làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa, hay thành công phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Giới quan sát không phủ nhận việc Triều Tiên đã phóng đại thành tích đề hù dọa quốc tế, nhưng họ cũng phải nhìn nhận là Bình Nhưỡng đã có những bước tiến xa trên về công nghệ hạt nhân. Trả lời báo Anh “The Guardian” số ra ngày 9-9, bà Kelsey Davenport, GĐ đặc trách về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc tổ chức giám sát vũ khí Arms Control Association, trụ sở tại Mỹ, nêu rõ: “Có nhiều khả năng hiện tại Triều Tiên đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa tầm ngắn và tầm trung, các loại tên lửa đó có thể bắn tới Hàn Quốc hay Nhật Bản, tới các cơ sở quân sự của Mỹ trong vùng Đông Bắc Á”. Cũng theo chuyên gia này, còn phải mất thêm nhiều thập niên nữa, tên lửa của Triều Tiên mới có thể bắn sang tới lãnh thổ Mỹ. Dù vậy theo bà Davenport, Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, sẽ phải đặc biệt quan tâm đến “hiểm họa và mối đe dọa Triều Tiên”.

Chuyên gia Jeffrey Lewis nhận định, các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập của Triều Tiên cho thấy Kim Jong Un không khoanh tay ngồi nhìn, phó mặc số phận của mình cho Mỹ như các ông Saddam Husein hay Kadhafi ở Iraq và Libya trước đây. Bình Nhưỡng dùng quân bài hạt nhân để buộc Mỹ phải chọn giải pháp đàm phán.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm, theo như phân tích của Mark Fitzpatrick, GĐ Viện Nghiên cứu quan hệ chiến lược Quốc tế IISS tại Washington, các hành động của Triều Tiên có nguy cơ đẩy Nhật và Hàn Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nói cách khác, giới phân tích không loại trừ khả năng, chiến lược “hung hăng” của Triều Tiên sẽ phản tác dụng. Tóm lại, giới phân tích của châu Âu và Mỹ đều nhận thấy rằng, đây là thời điểm để Bình Nhưỡng thị uy và dùng quân bài hạt nhân mặc cả với quốc tế. Bình Nhưỡng khai thác quân át chủ bài hạt nhân như một lá bùa hộ mệnh để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Triều Tiên.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/ngan-chan-tham-vong-so-huu-vu-khi-hat-nhan-cua-trieu-tien-117805