Ngăn dịch cúm gia cầm từ cửa ngõ biên giới: Ghi tại 'điểm nóng' Lạng Sơn

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H7N9 tại các tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới nước ta, PV CAND đã có mặt tại Lạng Sơn để ghi nhận công tác phòng chống ngăn chặn dịch từ cửa ngõ biên giới. PV Báo CAND cũng đã có mặt ở "điểm nóng" Lạng Sơn. PV Báo CAND cũng đã có mặt ở "điểm nóng" Lạng Sơn.

Thủ đoạn tinh vi

Chúng tôi đã có mặt tại Lạng Sơn trong những ngày địa phương này dốc sức ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm qua biên giới. Dịch cúm A/H7N9 đã làm cho 96 người tử vong tại Trung Quốc. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong do dịch cúm này gây ra là cao nhất so với các dịch cúm gia cầm trước đây, tới 40%. Và đã có hai ca lây nhiễm virus H7N9 trên người ở TP Bách Sắc và Ngô Châu (Trung Quốc) giáp với biên giới Việt Nam.

Tỉnh Lạng Sơn với đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 253km cùng hai cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới là một trong những “cửa ngõ” đặc biệt thuận lợi để dịch cúm gia cầm “tràn vào” trong nước nếu không có những biện pháp phòng ngừa khẩn cấp. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương này vô cùng gian nan bởi nạn buôn lậu gia cầm vẫn phức tạp nhiều năm nay.

Thượng tá Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ trong vòng một tuần, các anh đã mai phục và bắt giữ 6 vụ vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc từ bên kia biên giới. Khác với những năm trước, chủ yếu các đối tượng buôn lậu gia cầm lựa chọn nhập lậu gà, vịt giống vì đây là thời điểm người dân chuẩn bị “vào đàn” nuôi lứa mới. Thủ đoạn vận chuyển cũng tinh vi hơn.

Các đối tượng buôn lậu còn nghĩ ra phương án mua trứng vịt lộn hay trứng gà lộn gần đến ngày nở vận chuyển về Việt Nam, trên đường qua biên giới trứng nở thành gà, vịt để tiết kiệm được diện tích bu, lồng chở, vận chuyển được số lượng lớn hơn. Để bắt được một vụ buôn lậu gia cầm, đôi khi tang vật chỉ là vài trăm con gà giống, quả trứng,… nhưng các trinh sát của Phòng PC49 phải nhiều đêm thức trắng, mật phục nằm trong các bụi rậm trên các đường mòn, lối tắt.

Đáng lo ngại nhất là virus cúm gia cầm rất nguy hiểm, có thể lây sang người bất cứ lúc nào nhưng các chiến sỹ khi đi làm nhiệm vụ không có đồ bảo hộ ngoài găng tay và khẩu trang. Trước sự truy quét và kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu gia cầm đã giảm hẳn so với các năm trước.

Tuy nhiên, do giá chênh lệch khá cao nên nhiều người vẫn ham lợi nhuận, cố tình sang bên kia biên giới mua gà vịt giống giá rẻ (khoảng 3.000 đồng/con) chuyển về Việt Nam bán với giá 8.000-9.000 đồng/con.

Gà giống nhập lậu được thu giữ đưa về tiêu hủy. Ảnh: Nguyệt Mi.

Chặn chốt trên tất cả các lối mòn, đường tắt

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chặn ngay từ biên giới, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, tặng, cho gia cầm qua đường mòn, lối mở và kiểm soát chặt đường chính ngạch cửa khẩu.

Đặc biệt, tại các điểm nóng như: Rọ Bon (cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng); gốc Bưởi, gốc Nhãn, đường đài 05-06 (cửa khẩu Cốc Nam, Hữu Nghị), đường xương cá mốc 1229, 1225, 1227, 1232 (cửa khẩu Chi Ma, Lộc Bình), lực lượng Hải quan và Biên phòng đã thành lập thêm những lán dã chiến. Bên cạnh đó, các lực lượng: Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch đã phối hợp thành lập các tổ công tác đặc biệt (ít nhất 3 người) be quét vùng biên, chốt chặt 24/24 giờ tại các đường mòn, đường tắt qua biên giới.

Vào thời điểm này, để ngăn gia súc, gia cầm nhập lậu, các lực lượng chức năng đã tăng cường quân số lên tuyến đầu biên giới, đồng thời tổ chức rào hơn 1.000m dây thép gai, lập hơn 50 lán chốt tại các đường mòn. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng ở tỉnh và huyện Văn Lãng tiến hành xây dựng hàng rào, bịt đường đi trái phép, những vị trí nhạy cảm ở khu vực cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng.

Vào cuối tháng 2, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016. Tại buổi làm việc, theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, việc phát hiện bắt giữ tư thương, đầu nậu tổ chức mua bán, vận chuyển nhập lậu động vật, sản phẩm động vật và thực phẩm nhập lậu qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Kết quả từ năm 2011 - 2015, toàn tỉnh có số vụ kiểm tra 901 vụ, đã xử phạt 512 vụ, số tiền phạt vi phạm hành chính: 1,349 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tổng số 7.432 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh có tới 2.507 lượt cơ sở vi phạm nhưng không có xử lý hình sự, tổng số cơ sở bị phạt tiền 1.096 lượt, tổng số tiền phạt 1,040 tỷ đồng. Với kết quả này, nhiều thành viên trong đoàn giám sát đã băn khoăn vì mức xử lý quá nhẹ và đặt câu hỏi vì sao không xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu giải thích, việc vi phạm nhiều mà xử lý ít là do sản xuất nhỏ lẻ, lỗi vi phạm của các cơ sở cũng nhỏ như không đeo khẩu trang hay để móng tay dài, chưa đủ cấu thành mức xử lý hình sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, không thể loại trừ nguyên nhân còn “dễ người dễ ta” trong công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn cần nỗ lực hơn, bởi kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của Lạng Sơn không chỉ là biện pháp phòng ngừa cho người dân trong tỉnh mà còn cho cả nước.

Nhóm PVKTXH

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/ngan-dich-cum-gia-cam-tu-cua-ngo-bien-gioi-ghi-tai-diem-nong-lang-son-431990/