Ngân hàng ACB - Phú Trung tiếp tay cho khách hàng lừa đảo người dân

Ngân hàng ACB - Phú Trung đã bất chấp điều khoản quy định trong biên bản thỏa thuận 3 bên giữa: ACB – Phú Trung, người bán đất (ông Hà) và người mua (ông Thọ - cũng là khách hàng vay tiền của ACB) khi đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thọ mà không có sự đồng ý của ông Hà. Điều này là sai lầm của ACB – Phú Trung vì theo thỏa thuận hợp đồng thì ACB – Phú Trung không được giao bản chính cho ông Thọ.

Như báo Người Tiêu Dùng đã có bài viết “Khách hàng "tố" ngân hàng ACB - Phú Trung lừa đảo”, nội dung phản ánh việc ngày 21/4/2016, ACB - Phú Trung giới thiệu khách hàng là ông Hinh Phước Thọ (ngụ tại 623/33 CMT8, P.15, quận 10, TP.HCM), để mua lô đất tọa lạc tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM, thuộc sở hữu của ông Phạm Hoàng Hà. Theo hợp đồng mua bán thì lô đất này trị giá là 2,5 tỷ đồng, ông Thọ trả bằng tiền mặt cho ông Hà 500 triệu đồng. Số tiền còn lại là 2 tỷ đồng sẽ được ACB - Phú Trung cho ông Thọ vay dùng để trả tiền mua đất. Ông Hà đồng ý và tiến hành ký hợp đồng 3 bên tại ACB - Phú Trung. Ngoài ra, giữa ACB - Phú Trung, ông Hà và ông Thọ có thêm một thỏa thuận 3 bên. Cũng từ thỏa thuận này dẫn tới sai lầm của ACB - Phú Trung.

ACB – Phú Trung vi phạm thỏa thuận

Theo trình bày của ông Hà thì sau khi Hợp đồng mua bán bất động sản được công chứng, ông Hà đã giao bản chính và các giấy tờ liên quan đến Bất động sản bao gồm cả giấy chứng nhận, tờ khai phí trước bạ, bản vẽ...cho ACB – Phú Trung. Điều này ông Hà thực hiện đúng theo với nội dung trong thỏa thuận 3 bên mà ông Hà đã ký với ACB – Phú Trung và ông Thọ.

Ngoài ra, cũng theo nội dung thỏa thuận 3 bên thì ông Hà và ông Thọ phải thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua bán bất động sản và sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thọ. Khi thực hiện các thủ tục này, ACB sẽ hỗ trợ các bên trong việc xuất trình bản chính các giấy tờ liên quan đến bất động sản tại các cơ quan có thẩm quyền.

Tại khoản 4, điều 2 của thỏa thuận 3 bên quy định rất rõ: trong mọi trường hợp ông Thọ, ông Hà, đơn vị dịch vụ không được trực tiếp nhận bản chính biên nhận hồ sơ đề nghị cung cấp giấy chứng nhận chủ quyền đối với bất động sản từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thế nhưng, ACB – Phú Trung đã giao giấy tờ nhà đất cho ông Thọ, là khách hàng của ACB – Phú Trung, để rồi ông Thọ “lật kèo” thông báo không mua nữa và đi khỏi nơi cư trú. Bất chấp việc ACB – Phú Trung cũng như ông Hà nhiều lần yêu cầu gặp mặt để giải quyết.

Trong nội dung thỏa thuận 3 bên quy định rất rõ việc ACB giữ bản chính về giấy tờ đất và không được đưa cho bên mua hoặc bên bán.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư thuộc Văn phòng Luật sư TriLaw, Đoàn luật sư TP.HCM đánh giá, ACB – Phú Trung đã sai khi bàn giao bản chính cho ông Thọ khi chưa được sự đồng ý của người bán. Điều này cũng hoàn toàn vi phạm những quy định trong thỏa thuận mua bán của các bên.

Cần quy trách nhiệm của ACB – Phú Trung

Theo phản ánh của bà Võ Ngọc Trân, người đại diện của ông Hà cũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại lô đất tại phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM thì suốt nhiều tháng nay ACB – Phú Trung dửng dưng không nhiệt tình xử lý sự việc, chỉ khi nào bà Trân và ông Hà gọi điện thoại nhắn tin thì mới trình bày. Thậm chí nhiều lần lên gặp ông Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc phòng giao dịch ACB – Phú Trung nhưng bị từ chối và tránh né.

Mới đây nhất, theo trình bày của bà Trân, ngày 7/9, ông Nguyễn Ngọc Huy đến gặp ông Hà đề nghị ông Hà đưa thêm 500 triệu đồng cho ông Thọ để công chứng lại quyền sử dụng đất. Việc làm vô lý này đã bị ông Hà từ chối ngay lập tức và vô cùng bức xúc với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Giám đốc chi nhánh ACB – Phú Trung.

Ông Nguyễn Ngọc Huy đến gặp ông Hà đề nghị ông Hà đưa thêm 500 triệu đồng cho ông Thọ để công chứng lại quyền sử dụng đất (Ảnh do bạn đọc cung cấp).

Trong khi đó, về phía ACB hội sở, sau nhiều lần liên lạc với Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn để liên hệ làm việc đều bị phớt lờ. Sau đó, nhân viên cấp dưới là chị Ngô Thủy có liên lạc và trao đổi qua email với chúng tôi. Phản hồi qua email, chị Ngô Thủy cho biết: “ACB rất lấy làm tiếc khi xảy ra sự việc tranh chấp giữa bên mua và bên bán. Đây là sự việc ngoài ý muốn vì sau khi hoàn tất thủ tục chuyển tên sở hữu thì bên Mua mới biết được thông tin tài sản sẽ mua thuộc khu qui hoạch mà theo nhận định của bên Mua là sẽ làm sụt giảm mạnh giá trị tài sản. ACB Phú Trung là đơn vị trung gian nên từ tháng 6/2016 đến nay, ACB Phú Trung đã liên tục nỗ lực thuyết phục bên mua và bên bán đàm phán với nhau. ACB đang làm trung gian để hỗ trợ các bên đàm phán, thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên mua và bên bán. ACB cũng đã thông báo đến các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn giao dịch liên quan đến tài sản tranh chấp”.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Đăng Tư, trong vụ việc tại ACB – Phú Trung thì thỏa thuận 3 bên không có quy định chế tài xử phạt hoặc bồi thường khi một trong các bên vi phạm thỏa thuận. Do đó, nếu một bên không muốn tiếp tục thực hiện thỏa thuận thì các bên còn lại cũng không được quyền yêu cầu phạt bên vi phạm, phạt vi phạm là một trong những chế tài có sức răn đe trong các giao dịch dân sự thương mại nhằm hạn chế việc một trong các bên vi phạm thỏa thuận.Trường hợp này phải xét tới hợp đồng mua bán, người mua phải kiểm tra lại hợp đồng mua bán xem trong hợp đồng mua bán các bên có thỏa thuận chế tài phạt hay bồi thường thiệt hại hay không.

Về hướng xử lý vụ việc, theo luật sư Nguyễn Đăng Tư, ACB – Phú Trung là một bên liên quan trong vụ việc, do đó ACB Phú Trung cần thuyết phục bên mua tiếp tục thực hiện thỏa thuận. Theo thỏa thuận ba bên thì ACB - Phú Trung vẫn được quyền tính lãi trên số tiền đã chuyển vào tài khoản của bên bán trong trường hợp bên mua không thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Nếu không thuyết phục được thì ACB- Phú Trung có quyền khởi kiện người mua, buộc người mua phải thanh toán lại cho họ 2 tỷ đồng đã chuyển vào tài khoản của bên bán và tiền lãi phát sinh.

Trong trường hợp đang diễn ra tại ACB – Phú Trung, phía ngân hàng không được quyền thu lại tiền đã nằm trong tài khoản của người bán, nhưng người bán cũng không được sử dụng số tiền này vì đã có thỏa thuận phong tỏa.

Ngoài ra, người bán có quyền khởi kiện bên mua và ACB – Phú Trung để buộc họ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hoặc khởi kiện người mua để yêu cầu thanh toán số tiền 2 tỷ đồng.

Luật sư Tư nhìn nhận: “Rủi ro ở giao dịch nào cũng có, quan trọng là mình phải biết cách soạn thảo, đàm phán hợp đồng để hạn chế rủi ro. Hợp đồng phải có các điều khoản chặt chẽ để các bên không thể tự ý nửa chừng ngưng thực hiện thỏa thuận. Ví dụ như quy định thêm chế tài phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại nếu một bên tự ý ngưng giao dịch giữa chừng hoặc các quy định khác, để các bên có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu một bên bất kỳ không muốn thực hiện nữa”.

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc tới bạn đọc.

Nguyên Vũ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/ngan-hang-acb--phu-trung-tiep-tay-cho-khach-hang-lua-dao-nguoi-dan-d45919.html