Ngân hàng chạy đua chuyển đổi số để phục vụ khách

Đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số không chỉ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí mà còn nâng trải nghiệm cho khách hàng cũng như giúp nhà băng tăng doanh thu và lợi nhuận.

Đánh giá về hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Các hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Toàn ngành triển khai tích cực kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030”.

Số liệu từ lãnh đạo NHNN cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng, qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị.

Đối với hình thành thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%.

“Trong khi đó giao dịch thanh toán qua thẻ ATM lại ghi nhận giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị. Số liệu này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Tú nói.

Ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán không tiền mặt.

Lãnh đạo ngân hàng VPBank chia sẻ: Hiện tỉ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên nền tảng ngân hàng số VPBank NEO chiếm 99% số lượng giao dịch toàn hệ thống. Và tính đến ngày 31-5, số lượng tài khoản được mở bằng phương thức e-KYC đạt gần 4 triệu khách hàng. Trên ngân hàng số này, người dân có thể sử dụng vân tay, khuôn mặt để xác thực giao dịch thay vì nhập mã PIN và smart OTP như trước đây.

Do đó, sau khi nhập thông tin người nhận tiền, kiểm tra thông tin, khách hàng chỉ cần chọn “xác nhận” để xác thực giao dịch bằng khuôn mặt hoặc vân tay là hoàn thành giao dịch.

“Hiện nay tại các ngân hàng và ví điện tử có triển khai xác thực giao dịch bằng sinh trắc học thì đều áp dụng cho giao dịch có số dư dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tại VPBank đang cho phép khách hàng chuyển khoản, thanh toán hóa đơn QRpay và nạp tiền điện thoại di động với hạn mức tối đa lên tới 3 triệu đồng/lần và 5 triệu đồng/ngày. VPBank hiện tại là ngân hàng tiên phong cho khách hàng giao dịch với số dư lớn và với nhiều loại hình dịch vụ nhất hiện nay” lãnh đạo VPBank nói.

Tương tự, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng Á châu (ACB) cho biết: Đầu tư cho chuyển đổi số có thể lên đến 1.000 tỉ đồng mỗi năm nhưng doanh thu mang lại lớn hơn rất nhiều, bởi khi đầu tư, chúng tôi tính toán rất kỹ về hiệu quả. Trong hoạt động chuyển đổi số, ACB tập trung nhiều đầu tư vào hạ tầng cloud (đám mây), hạ tầng liên quan đến bảo mật và các hạ tầng khác về data (dữ liệu).

Ngoài ra, ACB cũng đầu tư rất nhiều vào các ứng dụng cho khách hàng để đảm bảo tăng trải nghiệm ngân hàng số, các hoạt động giải pháp về trí tuệ nhân tạo, chat bot, robotics (tự động hóa)".

"Với những tiến bộ ngày càng nhanh của công nghệ, những công nghệ liên quan AI, liên quan robot sẽ là công nghệ tiên phong mà các ngân hàng nói riêng, tất cả các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung sẽ áp dụng rất phổ biến. Đây là bước tiến rất lớn trong hoạt động của ngân hàng thời gian tới” - ông Phát nói thêm.

Tại Nam A Bank, hệ sinh thái ngân hàng số (Open Banking - ONEBANK và Robot OPBA) rất đa dạng và bảo mật an toàn cao. Nhờ vậy, mà hầu hết các giao dịch ngân hàng đều có thể thực hiện xuyên lễ, Tết như mở tài khoản, gửi tiết kiệm, nộp, rút tiền mặt, thanh toán thẻ, hóa đơn…

Mới đây, Nam A Bank cũng đang triển khai tính năng phát hành thẻ ATM có ngay tại ONEBANK, khách hàng dễ dàng sở hữu ngay chiếc thẻ nội địa tiện ích mà không cần mất thời gian đến quầy giao dịch.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-chay-dua-chuyen-doi-so-de-phuc-vu-khach-post738969.html