Ngân hàng: Có đúng là siêu lợi nhuận

Mặc dù lợi nhuận quý III của các ngân hàng rất khả quan, một số ý kiến cho rằng ngành ngân hàng vẫn là ngành siêu lợi nhuận mặc dù thị trường còn khó khăn. Nhưng xét về quy mô vốn, đó là con số khá khiêm tốn.

Trước lợi nhuận quý III/2009 khả quan của các ngân hàng, một số ý kiến cho rằng ngành ngân hàng vẫn là ngành siêu lợi nhuận mặc dù thị trường còn khó khăn. Nhưng theo các ngân hàng, nếu xét đến quy mô vốn và kế hoạch lợi nhuận đưa ra từ đầu năm thì kết quả đạt được sau 9 tháng hoạt động là khá khiêm tốn. Cán đích sớm Nếu như quý III/2008, các ngân hàng phải tính đến việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, nhằm giảm áp lực trước khi năm tài chính 2008 kết thúc thì sang năm 2009, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả lợi nhuận vượt chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm, Maritime Bank đạt 700 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi kế hoạch đề ra cho cả năm chỉ 600 tỉ đồng. Còn VietA Bank thì đạt 222 tỉ đồng lợi nhuận sau 9 tháng hoạt động so với kế hoạch cả năm là 270 tỉ đồng. Các ngân hàng cho biết, trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định và nguồn thu từ dịch vụ bị hạn chế, họ cần phải thận trọng trong việc đặt ra chỉ tiêu cho cả năm. Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Tổng Giám đốc ABBank, năm 2008, ngành tài chính ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn. Lúc đó,chưa thể dự đoán rõ ràng về tình hình kinh tế năm 2009. Vì vậy các ngân hàng đều không đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm tài chính 2009 mà chỉ đưa ra mục tiêu vừa phải, tập trung vào việc củng cố hoạt động để phát triển vững chắc hơn. Bước sang năm 2009, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Do đó, việc các ngân hàng sớm hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm nay cũng không nằm ngoài dự đoán. Còn ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TrustBank thì cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng thu về 51 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. So với kế hoạch đề ra 240 tỉ đồng thì con số lợi nhuận đạt được còn khiêm tốn. Nhưng theo ông Toàn, trong lúc này, quan điểm của TrustBank là không đặt nặng lắm về lợi nhuận, nhất là khi thị trường còn đối mặt với khủng hoảng và ngành ngân hàng chưa thực sự qua khỏi khó khăn. Ông Phạm Ngọc Đệ, Phó Tổng Giám đốc VietA Bank, cho rằng, để đạt được mức lợi nhuận trên trong bối cảnh thị trường còn khó khăn (chi phí vốn đầu vào tiếp tục tăng theo lãi suất tiền gửi, nhưng tràn lãi suất cho vay không thay đổi) là bài toán khó đối với các ngân hàng. Hiện nguồn thu từ dịch vụ (kinh doanh vàng, ngoại tệ, đầu tư bán lẻ. . .) đóng góp hơn 50% trong tổng lợi nhuận của VietA Bank. Song ông Đệ cho biết, Ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ hơn nữa mới có thể đảm bảo lợi nhuận trong tương lai. Đối với Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng, cho rằng, nếu so với tổng vốn điều lệ trên 12.000 tỉ đồng hiện nay của Ngân hàng thì con số lợi nhuận dự kiến đạt được cả năm 3.400 tỉ đồng là không lớn. Và dù 9 tháng đầu năm nay Vietcombank đã đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm, nhưng ông cho biết, Ngân hàng vẫn không điều chỉnh tăng thêm và để trả mức cổ tức 12% cho cổ đông năm 2009, Ngân hàng phải rất chật vật. Ngành ngân hàng vẫn hái trái ngọt Nếu nhìn vào mức lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng hoạt động của ngành ngân hàng, vốn dĩ siêu lợi nhuận, vẫn tiếp tục hái được trái ngọt. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang vào giai đoạn hậu suy giảm và ngành ngân hàng được cho là phục hồi sớm nhất, các nhà đầu tư còn kỳ vọng vào sự trỗi dậy của cổ phiếu một thời được mệnh danh là "cổ phiếu vua”. Thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng lên trong 6 tháng đầu năm khi kết quả kinh doanh của các ngân hàng được công bố với những con số khá ấn tượng. Thế nhưng, thời gian gần đây, mặc dù thị trường tiếp tục những phiên sôi động, nhưng mức tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá khiêm tốn. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng dù cán đích hoặc vượt kế hoạch, hay thông tin một số ngân hàng sắp niêm yết cũng không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư như trước. Đơn cử như Eximbank dự kiến sẽ lên sàn trong tháng 10 này và lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm là 1.163 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Eximbank trên sàn OTC vẫn ở mức trên dưới 29.000 đồng/cổ phiếu. Sở dĩ giá cổ phiếu Eximbank không tăng mạnh vì nhà đầu tư cho rằng, mức lãi 1.163 tỉ đồng so với tổng vốn điều lệ 8.800 tỉ đồng của Ngân hàng là quá thấp. Chỉ tiêu lợi nhuận 1.500 tỉ đồng cho năm 2009 đã từng gây bức xúc cho các cổ đông lớn của Eximbank vì cho rằng con số này chưa xứng tầm. Nguyên Thanh Theo NCĐT

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/39542/1/186/ngan-hang-co-dung-la-sieu-loi-nhuan.stox