Ngân hàng đẩy mạnh nguồn cung vốn

(ĐTCK-online) Để đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, đồng thời với kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu tín dụng đặt ra cho cả năm 2010, các ngân hàng đang từng bước đẩy vốn ra thị trường, song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn có những hạn chế nhất định. Mặt khác, một số quy định tại Thông tư 13/2010/TT- NHNN sắp đi vào thực tế cũng sẽ là rào cản đối với việc giảm lãi suất thỏa thuận và ảnh hưởng đến việc phát triển tín dụng của nhà băng.

Nhu cầu vốn tiền đồng có cải thiện? Trong những ngày qua, không ít ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy vốn ra thị trường cho vay, với lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng tương đối ưu đãi. Cụ thể, ACB triển khai Chương trình "tín dụng đặc biệt 3.000 tỷ đồng" dành cho DN, bao gồm cả DN tư nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn bằng VND để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Theo đó, ACB dành ngân khoản lên đến 3.000 tỷ đồng và triển khai cho vay trong thời gian từ nay đến hết năm 2010, với mức lãi suất chỉ bằng khoảng 80% chi phí lãi vay VND thông thường. Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, nhu cầu về vốn bằng tiền đồng của khách hàng là các DN bắt đầu được cải thiện so với quý trước. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND của ngân hàng cũng được điều chỉnh nhẹ để kích thích tăng trưởng dư nợ. Tại ACB, theo ông Toàn, với chương trình tín dụng đặc biệt 3.000 tỷ đồng nói trên, Ngân hàng chỉ cho khách hàng vay với lãi suất thỏa thuận áp dụng khoảng 12,8 - 13%/năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, từ đầu năm 2010 đến nay, công an TP. HCM đã phát hiện 31 vụ việc vi phạm về hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, đã xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ, với tổng số tiền phạt là 1,459 tỷ đồng (57,5 triệu đồng/1 vụ). Còn Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM đã phát hiện 13 vụ vi phạm niêm yết giá, xử phạt với tổng số tiền là 325 triệu đồng. Tính đến ngày 27/8, tổng số đại lý đổi ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM là 79 đại lý và NHNN Chi nhánh TP. HCM tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động ngoại hối trên địa bàn. Cũng theo đánh giá của ông Toàn, với diễn biến thị trường hiện nay và mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận theo chiều hướng giảm, khả năng hoàn tất được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay của Ngân hàng là có thể. Tuy nhiên, tính đến nay, dư nợ tín dụng riêng khối DN của ACB mới đạt 42.000 tỷ đồng và ông Toàn cho hay, để hoàn tất được kế hoạch tăng trưởng dư nợ đối với khối khách hàng DN của ACB thì từ nay đến cuối năm phải giải ngân thêm 12.000 tỷ đồng. Hiện trong tổng ngân khoản 3.000 tỷ đồng tín dụng đặc biệt được ACB triển khai từ ngày 18/8 đến nay, Ngân hàng mới giải ngân được hơn 30%. Tại ABBank, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lãi suất áp dụng cho các DN vừa và nhỏ (DNVVN) thuộc dự án SMEFP III thấp hơn 1%/năm so với khách hàng thông thường. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn VND của ABBank đối với DNVVN thông thường dao động từ 13,5% đến 14,25%/năm tùy vào mức độ uy tín và tình hình tài chính của DN. Còn đối với cho vay bằng VND trung, dài hạn, ABBank áp dụng lãi suất 14,5 - 15,25%/năm. Riêng cho vay vốn bằng USD, lãi suất dao động từ 6% đến 6,25% (ngắn hạn); 7,25% (trung - dài hạn). Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông Thanh, mức tăng trưởng tín dụng sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào bối cảnh và triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu Việt Nam cũng như tính ổn định và lòng tin của thị trường vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Việt Nam hiện nay. Nhưng ông Thanh cũng lưu ý là chu kỳ kinh doanh của ngành ngân hàng thường tăng trưởng mạnh hơn vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm tài chính. "Có thể thấy, mặc dù trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 10,52%, thế nhưng sang tháng 7 đã có sự bứt phá và mạnh mẽ hơn nhiều, đạt 12,97%. Tôi tin với chu kỳ kinh doanh như thế thì mức tăng trưởng 25% trong năm nay là khả thi. Riêng với ABBank, hiện nay dư nợ cho vay của chúng tôi đã đạt mức 16.172 tỷ đồng sau 7 tháng đầu năm, so với kế hoạch trình ĐHCĐ là 17.340 tỷ đồng trong cả năm 2010 thì chắn chắn sẽ vượt chỉ tiêu", ông nói. Còn theo đánh giá của bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 25% trong năm nay là nằm trong tầm tay. Vì thực tế, so với năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay thấp hơn nhiều. Mặt khác, 7 tháng đầu năm 2010, mức dư nợ tín dụng 12,97% không phải là thấp. Điều lo ngại nhất hiện nay theo bà Hương là liệu có nguồn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là thời điểm cuối năm. Do đó, đây cũng là giai đoạn các ngân hàng từng bước gia tăng khuyến mãi để chuẩn bị nguồn cho vay vào dịp cuối năm. Tín dụng ngoại tệ vẫn được nhắm đến Nhu cầu vốn bằng tiền đồng đang có dấu hiệu cải thiện, nhất là khi mùa vụ kinh doanh của DN sắp đến. Mặt khác, trước sự điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 2,1% của NHNN vào cuối tháng 8 vừa qua cũng có tác động đến tâm lý của DN nhập khẩu vay vốn bằng ngoại tệ. Thế nhưng, báo cáo của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn trong tháng 8/2010 vẫn tăng cao hơn so với tiền đồng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn đạt 175.400 tỷ đồng, tăng 28,5% so với một tháng trước đó. Trong khi đó, dư nợ tiền đồng tháng 8 chỉ tăng 5,8% so với tháng 7/2010. Còn đối với huy động ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tính đến cuối tháng 8 ước đạt 167.100 tỷ đồng, chỉ tăng 5,3% so với một tháng trước đó; tiền gửi VND của ngân hàng trên địa bàn tăng đến 16,3% so với tháng 7/2010. Nhu cầu tín dụng ngoại tệ tăng là do lãi suất vay thỏa thuận bằng tiền đồng còn cao. Các DN muốn vay ngoại tệ để tránh áp lực lãi suất VND. Thực tế, nếu vay ngoại tệ trong lúc này, DN chỉ trả 6 - 7%/năm, trong khi vay tiền đồng 13 - 14%/năm. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, sự thay đổi của tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Trung ương đã tác động ngay đến thị trường ngoại hối. Qua đó, thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá niêm yết trong hệ thống ngân hàng xuống dưới 100 VND/USD. Tuy nhiên, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và giá niêm yết trong các NHTM vẫn có độ vênh. Đặc biệt là sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng trong tháng 8 vừa qua, dẫn đến việc các NHTM khó mua được ngoại tệ từ DN và cá nhân. Vì thế, các NHTM chủ yếu bán ngoại tệ theo danh mục mặt hàng ưu tiên. Trong khi đó, nhu cầu vốn ngoại tệ vẫn có, nhất là các DN xuất khẩu, bởi họ có nguồn ngoại tệ trả nợ ngân hàng nên không quá lo ngại rủi ro biến động tỷ giá. Vì thế, dù tỷ giá liên ngân hàng vừa được điều chỉnh tăng thêm, nhưng theo các ngân hàng, nhu cầu vay ngoại tệ vẫn có và thực tế nhiều nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD thêm 0,5%/năm để tạo sức hút đối với tiền gửi ngoại tệ. Tuy nhiên, với các DN nhập khẩu không có nguồn thu bằng ngoại tệ lúc này đã có sự tính toán kỹ hơn trong việc sử dụng vốn vay USD. Theo ông Toàn, tại ACB hiện cũng chọn lọc kỹ hơn trong cho vay ngoại tệ. Mặt khác, ông Toàn cho biết, các DN có nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ cũng tỏ ra thận trọng trước sự điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng của NHNN vừa qua.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFFFII/ngan-hang-day-manh-nguon-cung-von.html