Ngân hàng dồn dập báo lãi

Tính toán của Công ty Chứng khoán VCBS, để tạo ra mức tăng 1% hệ số an toàn vốn (CAR), các ngân hàng cần huy động thêm 10-15% vốn tự có. Theo đó, áp lực cho vấn đề tăng vốn trong năm 2017 là rất lớn.

Giao dịch tại ngân hàng Vietinbank. Ảnh: Hà Phương.

Những con số ấn tượng

Tổng kết năm 2016, Ngân hàng Vietcombank cho biết, tính đến 31-12-2016, huy động vốn của ngân hàng đạt 598.867 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015. Dư nợ tín dụng đạt 469.800 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2015. Tính chung năm 2016, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế trước dự phòng 14.605 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; dự phòng rủi ro đã trích 6.392 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, trong năm 2016, Vietcombank là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC, chính thức đưa nợ xấu về một sổ. Đến 31-12-2016, dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 6.787 tỷ đồng, giảm 309 tỷ đồng so với 2015 (giảm khoảng 4,4%); tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,44% (giảm 0,4% so với cuối 2015).

Tại Ngân hàng BIDV, đến hết năm 2016, huy động vốn đạt gần 939.000 tỷ đồng, tăng 20%, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 935.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2015. Kết quả lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 7.507 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng được BIDV kiểm soát ở mức 1,47% trên tổng dư nợ. Đặc biệt, năm 2016, BIDV đã nộp ngân sách 4.627 tỷ đồng và là một trong những đơn vị nộp ngân sách trong top đầu của cả nước.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 vừa được Ngân hàng VietinBank tổ chức, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, năm 2016, lợi nhuận của VietinBank đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với kết quả 7.360 tỷ đồng trong năm 2015. Tính đến 31-12-2016, tổng nguồn vốn huy động của VietinBank ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015. Dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng khả quan, đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong kiểm soát chất lượng nợ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đến cuối năm 2016, VietinBank tiếp tục duy trì chất lượng tài sản hàng đầu với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Ông Thọ cho biết, VietinBank đã quyết liệt, tích cực, sát sao, dứt điểm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, khoản nợ bán cho VAMC, từ đó đẩy nhanh tốc độ tái tạo vốn kinh doanh.

Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân cũng đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh năm 2016. Cụ thể, Ngân hàng TPBank cho biết, lợi nhuận năm 2016 đã đạt được 707 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2015. Dư nợ cho vay đối với các cá nhân, DN và tổ chức kinh tế đến cuối kỳ tăng trưởng khá, đạt mức 47.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 0,51%, khả quan hơn so với số kế hoạch dưới 2% đề ra đầu năm. Tương tự, Ngân hàng VIB cũng báo lãi 702 tỷ đồng trước thuế, cao hơn 7% so với năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt xấp xỉ 68.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 3%.

Áp lực tăng vốn

Dự kiến, ngày 1-9 tới sẽ là thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank và VIB. Do đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức tối thiếu 8% theo Basel II là rất cấp bách. Một báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VCBS đã chỉ ra rằng, trong số 10 ngân hàng tham gia thí điểm, nhóm TMCP tư nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định, như ACB, VIB, Techcombank...

Trong khi đó, nhóm TMCP nhà nước sẽ chịu áp lực tăng vốn lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank). Trong đó, Vietcombank có nhiều dư địa hơn do có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn. Còn 2 ngân hàng BIDV và VietinBank có hệ số CAR đã ở sát ngưỡng quy định (9%) đồng thời lại phải chịu áp lực giảm CAR khi phải trả cổ tức theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, VietinBank đã chạm trần sở hữu để huy động vốn nước ngoài, trong khi BIDV không còn dư địa để tăng vốn cấp 2.

Tại thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng vẫn đang áp dụng biện pháp ngắn hạn là tăng vốn bằng phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo phân tích của VCBS, biện pháp này sẽ chỉ giúp các ngân hàng giải quyết tình thế trong 1-2 năm. Trong khi, chi phí vốn tại các ngân hàng phát hành chịu áp lực tăng, do lãi suất trái phiếu cao hơn 1-2% lãi suất huy động thông thường.

Báo cáo của VCBS cũng nhấn mạnh, thí điểm Basel II sẽ là trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2017. Để đảm bảo hệ số CAR theo quy định, các ngân hàng có thể hạn chế tín dụng và đẩy mạnh tăng vốn, từ đó, gây áp lực lên chi phí vốn. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VCBS, để tạo ra mức tăng 1% hệ số CAR, các ngân hàng cần huy động thêm 10-15% vốn tự có. Theo đó, áp lực cho vấn đề tăng vốn trong năm 2017 là rất lớn. Trong khi chưa có các biện pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, huy động vốn bằng trái phiếu và hạn chế tín dụng sẽ tiếp tục là các phương án chính được sử dụng trong năm 2017. Từ đó, một mặt, chi phí vốn tăng trên toàn hệ thống, mặt khác, tín dụng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn ngành.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-don-dap-bao-lai.aspx