Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động

Động thái tăng lãi suất huy động là khi ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.

Đua lãi suất

Sau Tết, nhiều ngân hàng đua nhau niêm yết lãi suất huy động ở mức “đỉnh” hoặc sát “đỉnh”. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã điều chỉnh tăng. Kể từ 24/2, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank tăng mạnh lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đặc biệt, Eximbank đã trở thành đơn vị có lãi suất ngân hàng cao nhất hệ thống khi cung cấp dịch vụ “Lãi suất tiết kiệm online”. Gửi tiền trên internet banking, mobile banking, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy đối với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên. Như vậy, lãi suất huy động cao nhất tại Eximbank là 8,2%/năm.

Từ ngày 10/2/2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Tecchombank) có mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với hồi đầu tháng 2. Muốn nhận được mức lãi cao này, khách hàng phải gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng.

Nhận định về tình hình lãi suất năm 2017, một số chuyên gia nhận định, lãi suất năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Trong báo cáo Triển vọng năm 2017, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm.

Nguyên nhân là một số ngân hàng đang gặp áp lực vì theo quy định của Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung, dài hạn…

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, động thái tăng lãi suất huy động là khi ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.

Khó hạ

Mặt bằng lãi suất huy động cao hơn sớm muộn sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo. Dự báo về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia ngân hàng cho rằng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và rất khó hạ. Bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Nhận định lãi suất năm 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản (bao hàm cả nợ xấu), mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới… Do đó, lãi suất khó giảm, thậm chí dự tính sẽ tăng hơn so với năm cũ.

Về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Những tháng trước đó, lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống.

Trong hội nghị tổng kết ngành ngân hàng TP.HCM, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhìn nhận, hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế. 51% tổng tín dụng cấp ra là vốn trung, dài hạn nhưng tại các ngân hàng, chỉ có 12-15% tổng vốn huy động là có kỳ hạn tương đương.

Thống đốc cũng thừa nhận, lãi suất đang đứng trước áp lực bởi ở giữa nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu này còn mâu thuẫn nhau. Vì vậy trong điều hành lãi suất, NHNN sẽ dùng công cụ để kiểm soát ổn định mặt bằng, các ngân hàng thương mại tập trung tiết giảm chi phí và giữ ổn định hoặc giảm lãi suất thời gian tới…

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ngan-hang-dua-nhau-tang-lai-suat-huy-dong-d55975.html