Ngân hàng loay hoay tìm đầu ra cho đồng vốn

Kinh tế vẫn chưa hồi phục, ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn bơm nguồn vốn ra thị trường.

Mặc dù các chuyên gia cùng dự báo nền kinh tế trong năm nay có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013. Nhưng bên cạnh những tín hiệu tích cực thì vẫn còn đó những rào cản khiến ngân hàng phải đối mặt với không ít khó khăn khi nhìn đến đích tăng trưởng tín dụng 12%-14%.

Tiền ở ngân hàng “tắc” đầu ra

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin tại Hội nghị Chính phủ cuối tháng 2 vừa qua, tín dụng đưa vào nền kinh tế hai tháng đầu năm âm 1,66% so với cuối năm ngoái. Riêng tại TP.HCM ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết ước dư nợ tín dụng hai tháng đầu năm tăng được 0,09%. Con số này đáng mừng nhưng theo các chuyên gia vẫn là mức tăng thấp.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận định tình trạng thừa tiền, thiếu vốn đã diễn ra trong suốt năm 2013 và vẫn còn tiếp tục chưa thể chấm dứt. Bởi vì nợ xấu vẫn còn trước mắt, khả năng hấp thụ tín dụng vẫn chưa giải quyết được căn bản. Ngoài ra, sức mua trong giai đoạn đầu năm cũng chưa thể phục hồi nhanh hơn.

Đồng tình với ông Lịch, một chuyên gia tài chính cho rằng tăng trưởng chậm là do nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Với doanh nghiệp (DN) có nợ xấu ngân hàng đương nhiên phải thận trọng cho vay. Còn với khách hàng mới… thì đây là thời buổi “đỏ mắt” đi tìm.

Hiện nay, các ngân hàng đang nỗ lực phát triển cho vay khách hàng cá nhân, bán lẻ, tiêu dùng nhằm đẩy mạnh dòng vốn. Ảnh: HTD

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai tháng đầu năm có khoảng 13.100 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó có gần 1.900 DN giải thể và trên 11.200 DN ngừng hoạt động. Số DN ngưng và giải thể ngày càng nhiều, những DN đang tồn tại thì chủ yếu hoạt động cầm chừng. Vì thế tín dụng những tháng đầu năm rất khó bơm ra.

Thưà tiền, ngân hàng mua trái phiếu

Trong bối cảnh “thừa vốn thiếu người vay”, việc mua trái phiếu Chính phủ tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ tính trong tháng 2 đã có hơn 25.000 tỉ đồng được huy động thành công sau bảy phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, còn có 23.000 tỉ đồng huy động thành công qua Kho bạc Nhà nước, hơn 2.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ, cũng khẳng định rằng năm nay Chính phủ phát hành trái phiếu nhiều hơn và thị trường này ngay từ đầu năm đã có vẻ sôi động hơn năm ngoái.

Ngoài đổ tiền vào mua trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng hiện nay đang nỗ lực để phát triển cho vay khách hàng cá nhân, bán lẻ, tiêu dùng nhằm đẩy mạnh dòng vốn.

Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc MBbank, cho vay khách hàng cá nhân, phát triển ngân hàng bán lẻ sẽ là xu hướng sắp tới và cũng phù hợp với thế giới. “Thực tế nguồn lợi nhuận chính mà các ngân hàng thế giới thu về phần lớn là từ dịch vụ bán lẻ, khách hàng cá nhân. Còn cho DN vay dự án này dự án kia là ngân hàng đầu tư” - ông Tiến khẳng định.

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cũng cho rằng trước khó khăn của nền kinh tế, sức khỏe DN chưa hồi phục thì hoạt động cho vay chưa thể kỳ vọng. Tuy nhiên, khối khách hàng cá nhân lại hứa hẹn nhiều chuyển biến tích cực khi nhu cầu vay mua nhà tăng, do lãi suất cho vay ngày càng giảm, giá bất động sản vẫn theo chiều hướng xuống. “Tuy nhiên, chi phí đầu tư, quản lý việc phát triển các dịch vụ bán lẻ tốn kém gấp ba lần so với thông thường. Nhưng nếu quản lý tốt thì lợi nhuận đem về cũng lớn hơn rất nhiều, có thể chiếm tới 30%. Song phải kiên trì phát triển dịch vụ từ ba đến năm năm. Một khi dịch vụ tốt, giá cả có đắt khách hàng sẵn sàng ở lại với mình” - lãnh đạo này nói.

Lãnh đạo của Sacombank trả lời trên báo chí cho hay năm 2013 dư nợ cho vay nhỏ, lẻ chiếm đến 50% đối với nhà băng này. Và năm 2014 ngân hàng vẫn tập trung đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ thông qua các chương trình hỗ trợ vốn cho các tiểu thương ở chợ, đặc biệt là chính sách ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở.

YÊN TRANG

Chỉ là khởi đầu chậm

Tăng trưởng tín dụng âm những tháng đầu năm chỉ là vấn đề mang tính quy luật. Cụ thể như năm 2013, tín dụng tháng đầu năm cũng âm nhưng sau đó các quý cuối cùng đã tăng mạnh, vì thế nên không có gì đáng ngại. Nhu cầu vay vốn, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng vào những quý kế tiếp thường tăng mạnh. Cùng với đó các yếu tố tích cực của nền kinh tế năm nay chắc chắn chúng ta sẽ đạt được tăng trưởng như kế hoạch.

Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, Phó Tổng Giám đốc MBbank

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/ngan-hang-loay-hoay-tim-dau-ra-cho-dong-von-452170.html