Ngân hàng nhỏ chạy đua tăng lãi suất kiểu mới

Sau khi tăng lãi suất huy động vào đầu năm 2017, mới đây, nhiều ngân hàng tiếp tục đưa ra mức lãi suất cao, bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi với các gói trung và dài hạn.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng lãi suất huy động tại Việt Nam nhiều năm trở lại đây vận động theo chu kỳ. Dễ nhận thấy là từ đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng so với giai đoạn cuối năm 2016.

Đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi cao

Mới nhất là VietABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng. Kỳ hạn mà ngân hàng này nhắm tới là các gói trung và dài hạn. Cụ thể, với kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng, khách hàng cá nhân sẽ được hưởng lãi suất lên đến 8,2%/năm. Cao hơn nhiều so với mức 7,8%/năm mà ngân hàng này áp dụng cho gói tiết kiệm thường với kỳ hạn 18 tháng.

Ngày 15/3 vừa qua, Sacombank cũng công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ trên toàn hệ thống. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất tiền gửi lên tới 8,48%/năm với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, mức tiền tối thiểu là 10 triệu đồng. Riêng với kỳ hạn 7 năm lãi suất sẽ lên tới 8,88%/năm.

LienVietPostBank cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng VNĐ cho khách hàng cá nhân và tổ chức, bao gồm các gói kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng. Lãi suất tối đa của các gói này lên đến 8,8%/năm, tổng giá trị phát hành tới 1.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 2 vừa qua, VIB cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với 2 mức kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Mệnh giá tổi thiểu mà ngân hàng này đưa ra chỉ là 1 triệu đồng.

Hiện nay, những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ chính là nhóm có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao. Đồ họa: Quang Thắng.

Trong khi đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi VNĐ mà VPBank áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 9/3 lên tới 9,2%/năm.

Cụ thể, với kỳ hạn 18 và 24 tháng, ngân hàng áp dụng lãi suất 7,5-7,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng lãi suất áp dụng 7,8-8,1%/năm. Đặc biệt kỳ hạn 60 tháng, với các mức tiền khác nhau lãi suất khách hàng được hưởng có thể lên tới 8,9-9,2%/năm.

So với lãi suất huy động thông thường mà VPBank đang áp dụng, mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi tối đa cao hơn tới 1,6%/năm.

Thực tế, lãi suất tiền gửi thông thường tại VPBank cũng luôn nằm trong nhóm nhà băng có lãi suất huy động khá cao trên thị trường.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi thường kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng tại VPBank đã ở mức 7,2-7,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng 7,3-7,6%/năm, cao hơn so với lãi suất huy động của nhóm Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay MBBank…

Khách phải cân nhắc nguồn tiền

Từng trao đổi với Zing.vn về mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất huy động thay đổi theo chu kỳ. Thường lãi tăng ở quý I và đầu quý II, giảm ở đầu quý IV hàng năm.

Ông giải thích lãi suất huy động đi theo chu kỳ này là do đầu năm các ngân hàng thường có nhu cầu tiền cao. Bằng việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi bên ngoài thị trường, để chuẩn bị nguồn vốn cho năm tài chính tiếp theo.

Việc tham gia chứng chỉ tiền gửi giúp khách hàng tiếp cận lãi suất cao, nhưng khách phải có nguồn tiền nhàn rỗi ổn định trong thời gian dài. Ảnh minh họa: N.Ý

Cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp quyết toán sổ sách, bán, xả hàng tồn kho để trả nợ thay vì đi vay, vì vậy lãi suất huy động thường giảm vào cuối năm.

Theo các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao thực chất là một cách nhằm huy động nguồn tiền để cơ cấu lại nguồn vốn huy động, chuẩn bị cho năm tài chính 2017.

Từ cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nhắc nhở việc các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đem cho vay trung và dài hạn diễn ra phổ biến. Năm 2017, tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh giảm về mức 50%, và tiếp tục giảm về mức 40% trong năm tiếp theo.

Vì vậy, các ngân hàng gần đây điều chỉnh chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, cũng tập trung nhiều vào các gói trung và dài hạn để cải thiện cơ cấu vốn cho vay của mình.

Đối với khách hàng, việc tham gia mua, ký danh chứng chỉ tiền gửi với các gói trung và dài hạn sẽ được tiếp cận lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này chính là thời gian đáo hạn dài.

Khách hàng sẽ phải cân nhắc trong việc sử dụng nguồn tiền của mình. Nếu rút tiền trước thời gian đáo hạn của chứng chỉ tiền gửi, mức lãi suất được hưởng sẽ thấp hơn nhiều so với gửi thông thường.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngan-hang-nho-chay-dua-tang-lai-suat-kieu-moi-post729890.html