Ngân hàng số là động lực thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Banking Vietnam 2017 – sự kiện công nghệ ngân hàng thường niên do Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 19/5.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của TPBank được giới thiệu tại Banking Vietnam 2017. Ảnh: N.Hiền

Theo đó, Việc phát triển ngân hàng số mang lại cho các ngân hàng khả năng phát triển mạnh mẽ về kênh cung ứng dịch vụ, nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ, từ đó cho phép nhiều khách hàng hơn có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, tài chính toàn diện là việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm – được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.

Trả lời cho câu hỏi tại sao cần quan tân tới tài chính toàn diện, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người không có tài khoản ngân hàng, tương đương 30% dân số thế giới. Trong khi đó, tài chính toàn diện giúp thúc đẩy việc làm và các hoạt động kinh tế, góp phần giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội và phát triển ổn định hệ thống tài chính. “Sự phát triển của tài chính toàn diện còn giúp đẩy lùi tín dụng đen” – ông Lực cho hay.

Tuy nhiên, theo tính toán của Vụ thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2016, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam mới chỉ đạt 39,8%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, từ năm 2014, tỷ lệ này tại Trung Quốc đã đạt 78,3%, Malaysia là 80,7%, Thái Lan là 78,1%, Ấn Độ là 52,8%.

Cánh cửa công nghệ số

Tham dự sự kiện Banking Vietnam 2017, các chuyên gia đều cho rằng công nghệ số chính là chiếc chìa khóa vàng giúp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, công nghệ sẽ giúp giảm tới 80-90% chi phí giao dịch và quản lý, giảm thiểu tối đa việc phải thiết lập các chi nhánh vật chất, tăng tiếp cận tài chính cho khu vực nông thông, miền núi và phụ nữ. Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng dẫn số liệu nghiên cứu của Mckinsey cho hay tài chính số có thể giúp GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 3.700 tỷ USD đến năm 2025.

Những năm gần đây, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đã triển khai các dịch vụ ngân hàng số thông qua các kênh như Internet banking, Mobile banking, kênh giao dịch tự động ATM… cho phép khách hàng tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, 24/7, tiết kiệm thời gian và chi phí. Không những thế, nhiều tổ chức kinh tế khác như công ty viễn thông, các công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng đang tham gia ngày càng nhiều hơn vào cung cấp dịch vụ tài chính số.

Thống kê tại Việt Nam hiện nay có 3 mô hình ứng dụng công nghệ số phổ biến. Thứ nhất là, mô hình ngân hàng làm chủ đạo, trong đó các ngân hàng đang tích cực áp dụng công nghệ thông tin thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống. Hiện nhiều ngân hàng đang thực hiện tham vọng phát triển ngân hàng số.

Thứ hai là, mô hình phi ngân hàng làm chủ đạo. Trong làn sóng khởi nghiệp, các tổ chức phi ngân hàng phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tài chính, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán. Tính đến đầu năm 2017, đã có 20 tổ chức phi ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Mô hình thứ ba là, sự kết hợp giữa ngân hàng với tổ chức phi ngân hàng. Điển hình là mô hình ngân hàng hợp tác với viễn thông đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm giữa Ngân hàng TMCP Quân đội phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Theo ThS Tô Thị Diệu Loan, Kinh nghiệm tại Ấn Độ đã cho thấy tài chính số là xu hướng tất yếu để đạt được tài chính toàn diện. Chính phủ nước này đã thực hiện những biện pháp hạn chế giao dịch tiền mặt, khuyến khích giao dịch thanh toán điện tử, đặc biệt là qua điện thoại di động như một kênh hiệu quả, an toàn và đáng tin cậy trong một thời gian khá dài.

Trong chính sách phát triển tài chính toàn diện tại Ấn Độ, ngân hàng vẫn đóng vai trò trọng yếu, Ngân hàng Trung ương cấp phép cho các tổ chức phi tài chính làm việc với ngân hàng để cung cấp các dịch vụ theo luật về hoạt động thanh toán; các công ty viễn thông có thể trở thành đại lý kinh doanh của ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán trả trước; cấp phép cho mô hình “ngân hàng thanh toán” là hình thức nâng cấp của đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trả trước.

Nhờ đó, đến năm 2014 đã có hơn 50% người trưởng thành ở Ấn Độ có tài khoản ngân hàng; mạng lưới các điểm cung cấp dịch vụ ngân hàng dưới hình thức đại lý kinh doanh đã tăng khoảng 6,5 lần trong 3 năm. Đến năm 2013 đã có 20 triệu người dùng và 1.194 triệu giao dịch thanh toán qua di động. Dự báo đến năm 2020, điện thoại di động có khả năng phục vụ 250 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính tại Ấn Độ.

Các chuyên gia nhận định xu hướng phát triển ngân hàng số sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trước kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Cách mạnh công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội lớn cho các ngân hàng trong việc ứng dụng mô hình quản trị thông minh và tự động hóa quy trình nghiệp vụ. Qua đó giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, song song đó cũng tạo nên những thách thức như yêu cầu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tác động tới chính sách tiền tệ và kiểm soát dòng tiền, an toàn hoạt động hệ thống. Bên cạnh đó là những tác động tới hạ tầng thanh toán, mô hình kinh doanh và quản trị; làm thay đổi các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng và đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng tài chính quốc gia.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-so-la-dong-luc-thuc-day-tai-chinh-toan-dien-tai-viet-nam.aspx