Ngân hàng sữa mẹ - mô hình nhân văn cần nhân rộng

Trung tuần tháng 4, Hội thảo Chia sẻ kết quả ban đầu và kinh nghiệm thiết lập ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là cơ sở để xem xét nhân rộng ngân hàng sữa mẹ ở các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Khai trương Ngân hàng sữa mẹ.

Khai trương Ngân hàng sữa mẹ.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam được Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo và hỗ trợ, với sự đóng góp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính từ thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ kỹ thuật của hai tổ chức phi chính phủ PATH và FHI 360 (thông qua Dự án Alive & Thrive); với nguồn tài trợ từ Quỹ Margaret A. Cargill Philanthropies và Bill & Melinda Gates.

Từ năm 2015, Sở Y tế TP Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cùng với PATH và Alive & Thrive đã xác định tầm quan trọng của ngân hàng sữa mẹ trong việc mang lại cơ hội phát triển và tăng trưởng tối ưu cho nhóm trẻ có nguy cơ cao. Với sự hợp tác của các bên, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức hoạt động vào tháng 2/2017.

Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên ở Việt Nam tại Đà Nẵng là một bước tiến quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe sơ sinh. Và đây sẽ là một trung tâm hỗ trợ đặc biệt cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em của thành phố và khu vực. Tại đây, những bà mẹ trẻ sau khi được tư vấn kích sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ được khuyến khích tự nguyện góp sữa cho ngân hàng sữa mẹ. Số sữa này sẽ ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ có nguy cơ cao như sinh nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời tại bệnh viện.

Sữa mẹ thu thập vào ngân hàng sẽ được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, với bước đầu tuyển chọn và sàng lọc người hiến sữa; kế đến là vắt sữa bảo đảm vệ sinh; xử lý sữa có kiểm soát nhiệt độ; tiếp đến sẽ tiệt trùng, xét nghiệm vi khuẩn và vận chuyển có kiểm soát nhiệt độ; điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng. Đến nay, 46 người mẹ đã hiến sữa sau khi đạt các chỉ số khắt khe về vệ sinh và an toàn; 136 trẻ có nguy cơ về dinh dưỡng đã được nhận 60 lít sữa hiến tặng từ ngân hàng sữa mẹ.

Các chuyên gia trong và ngoài nước về nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc sơ sinh và vận hành ngân hàng sữa mẹ cho biết, trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ. Sữa mẹ chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu mà trẻ sơ sinh cần để hình thành nên hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời là thức ăn tốt nhất và dễ hấp thụ nhất của trẻ.

Tuy nhiên, dù tất cả trẻ em đều có thể nhận được các lợi ích từ sữa mẹ, song không phải mọi bà mẹ đều có thể cho con bú trực tiếp. Đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng sữa mẹ hiến tặng như là một sự thay thế tốt nhất.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, để có được sữa mẹ hiến tặng, đội ngũ y, bác sĩ và người hiến tặng phải qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt và trữ sữa, thanh trùng, xét nghiệm, lưu trữ và phân phối. Ngân hàng sữa mẹ không phải đơn thuần chỉ là nơi cho và nhận sữa mẹ để cứu giúp những đứa trẻ non yếu mà còn mang sứ mệnh thúc đẩy toàn xã hội nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở Đà Nẵng cũng như ở Việt Nam cần phải liên tục được nâng cao để xứng với tầm quan trọng của sữa mẹ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), việc thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng đã mang lại cơ hội cho việc cứu sống các trẻ em có nguy cơ tử vong cao của thành phố. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm từ ngân hàng thí điểm sẽ được áp dụng cho các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam.

“Thành công của việc thí điểm ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng cũng thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế như PATH và Alive & Thrive; sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung cũng như công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Thành công này cũng cho thấy Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã luôn sẵn sàng đón nhận và triển khai có hiệu quả các sáng kiến toàn cầu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em”, ông Vinh nhấn mạnh.

Các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận những thành quả ban đầu của ngân hàng sữa mẹ Việt Nam mang lại cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình vận hành.

“Ngân hàng sữa mẹ không thể hoạt động riêng biệt mà phải tích hợp với công tác chăm sóc trẻ sơ sinh. Thật đáng mừng khi thấy 136 trẻ được hưởng lợi từ ngân hàng sữa mẹ trong vòng 2 tháng và chứng kiến việc nuôi con bằng sữa mẹ đã trở thành một phần quan trọng trong chăm sóc tại bệnh viện. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng và mong được thấy những cải thiện tích cực trong dinh dưỡng trẻ nhỏ ở Việt Nam”, bà Mona Byrkit, Giám đốc vùng Mekong của tổ chức PATH chia sẻ.

Thực tế, dù không được thành lập do cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nhưng trong cuộc sống, trên các trang mạng xã hội đã có nhiều mô hình ngân hàng sữa mẹ do các nhóm bà mẹ có con nhỏ lập ra nhằm chia sẻ nguồn sữa mẹ không vì mục đích lợi nhuận. Đã có một số ngân hàng sữa mẹ được thành lập trên các diễn đàn, fan page dành cho các bà mẹ trẻ nuôi con nhỏ.

Điều này cho thấy, tiềm năng để phát triển ngân hàng sữa mẹ trong cuộc sống là rất lớn, vấn đề là cần có một cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn đứng ra thành lập, quản lý, điều hành và phát triển để bảo đảm tính khoa học và an toàn của mô hình này.

Từ những thành công bước đầu của ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam đã cho thấy tính hiệu quả và nhân văn của mô hình này, thiết nghĩ cần nhân rộng tại nhiều địa phương để nhiều trẻ em được hưởng lợi hơn nữa.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/lam-dep/ngan-hang-sua-me-mo-hinh-nhan-van-can-nhan-rong-330999.html