Ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt còn tiềm ẩn vì tình trạng người đi đường, các loại phương tiện và công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn xảy ra.

Nhân viên chốt đường ngang giao cắt với đường sắt (Km1682+385) qua xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) kéo barrier chuẩn bị cho tàu hỏa đi qua an toàn. Ảnh: Đ.Tùng

Nhân viên chốt đường ngang giao cắt với đường sắt (Km1682+385) qua xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) kéo barrier chuẩn bị cho tàu hỏa đi qua an toàn. Ảnh: Đ.Tùng

Liều lĩnh “vượt rào”

Thời gian qua, tình trạng người dân tìm cách vượt barrier đã đóng (kể cả barrier có người kéo lẫn cần chắn tự động) là điều không hiếm gặp. Đáng nói, không ít trường hợp nhân viên gác chắn đã kéo barrier nhưng người đi xe máy, người đi bộ vẫn tìm cách vượt qua.

Gần nhất vào khuya 7-4, tại vị trí giao cắt giữa đường Bắc Sơn - Long Thành với đường sắt thuộc địa phận ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), 1 người đàn ông đứng ven đường đã nhảy qua barrier rồi lao vào đoàn tàu di chuyển với tốc độ 80km/h. May mắn, người đàn ông trên đã được anh Trịnh Dũng, nhân viên gác chắn Đội đường sắt Biên Hòa (Công ty CP Đường sắt Sài Gòn) kịp thời kéo vào nơi an toàn.

Trước đó, vào sáng 11-10-2023, người điều khiển xe máy biển số 94M1-054.47 lưu thông trên đường Yên Thế (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) khi đến khu vực giao nhau với đường sắt thì bất ngờ vượt cần chắn tự động và xảy ra va chạm với tàu hỏa khiến người đàn ông khoảng 50 tuổi điều khiển xe máy tử vong tại chỗ.

Tuyến đường sắt đi qua địa phận Đồng Nai có chiều dài hơn 89km. Hiện tại, toàn tỉnh có 57 đường ngang hợp pháp (32 đường ngang có gác; 25 đường ngang phòng vệ bằng cần chắn tự động và 13 lối đi tự mở (trong đó có 3 lối đi tự mở vào một hộ dân đã rào thu hẹp và có cam kết tự đảm bảo ATGT và 10 vị trí đang tổ chức chốt gác liên tục 24 giờ).

Thời gian qua, vi phạm hành lang an toàn đường sắt còn nhiều, trong đó chủ yếu là nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh gần đường sắt thường đặt hàng hóa, vật liệu, dừng, đậu xe ở phạm vi này. Tình trạng này được lực lượng chức năng ghi nhận tại khu vực phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) và xã Hố Nai 3, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Trong đó, nhiều người còn bày sạp hàng hoặc để các khối gỗ gần phạm vi hành lang an toàn đường sắt.

Theo UBND tỉnh, từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2023 (từ khi Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực đến nay), toàn tỉnh xảy ra 21 vụ TNGT đường sắt, làm chết 16 người, bị thương 6 người. Nguyên nhân chủ yếu do người đi bộ, đi xe máy vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Riêng trong Quý I-2024, toàn tỉnh không xảy ra TNGT đường sắt.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn trên, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 626 trường hợp dừng, đậu phương tiện vi phạm hành lang an toàn đường sắt, vượt rào chắn, không chấp hành biển báo khi qua đường sắt… Tổng số tiền phạt lên đến hơn 200 triệu đồng.

Trong báo cáo Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đánh giá, công tác theo dõi và xử lý triệt để tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Chủ động ngăn ngừa từ xa

Để hạn chế các nguy cơ TNGT đường sắt, những năm qua, cơ quan chức năng toàn tỉnh đã lắp đặt gần 25km hàng rào tôn lượn sóng để xóa bỏ lối đi tự mở và bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Đồng thời, giải phóng mặt bằng và làm hơn 7,5km lối đi tạm trong hành lang đường sắt để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương phối hợp với các đơn vị đường sắt thường xuyên theo dõi, rà soát và triển khai thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tại 53 lối đi tự mở đã được xóa bỏ và 10 vị trí đang tổ chức cảnh giới. Đặc biệt là vận động người dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường sắt.

Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn các nhân viên nhà ga, đảm bảo các ca trực tuân thủ đúng quy trình, quy định. Nhất là xử lý nghiêm các loại phương tiện dừng, đậu trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt, ngăn nguy cơ va chạm với tàu hỏa đang di chuyển tốc độ cao.

Để ngăn ngừa TNGT đường sắt, ngoài tiếp tục bố trí người cảnh giới tại đường ngang dân sinh qua địa bàn, thời gian tới các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần xử lý kịp thời những hành vi xâm phạm hành lang đường sắt, phá hoại công trình đường sắt. Đồng thời xử lý các cá nhân và tổ chức có liên quan nếu để xảy ra trường hợp lấn chiếm hoặc phá dỡ các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ hoặc để phát sinh thêm lối đi tự mở mới. Có như vậy, mới góp phần hạn chế nguy cơ TNGT đường sắt do sự thiếu ý thức của một số người.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/ngan-ngua-tai-nan-giao-thong-duong-sat-8483604/